Tại phiên họp này 25-9 của Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì để nghe Bộ GD-ĐT báo cáo dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020, nhiều ý kiến thống nhất cần áp dụng công nghệ vào kỳ thi; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về cơ sở vật chất, ngân hàng đề thi.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – bày tỏ ủng hộ dự thảo phương án của Bộ GD-ĐT nhưng để triển khai thi trên máy tính, cần chuẩn bị về địa điểm thi, hạ tầng, trang thiết bị. Cùng với đó là xây dựng ngân hàng đề thi - đây là việc khó, cần huy động trí tuệ rộng rãi. Năng lực của cán bộ tham gia tổ chức thi và các thầy cô giáo cũng phải được quan tâm; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ về ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin, tập huấn cho đội ngũ trước kỳ thi.
GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị cần phải xem tác động đối với xã hội, người học. “Muốn hay không muốn cũng phải đưa công nghệ vào nhưng cần quan tâm các điều kiện đảm bảo tính khả thi: hình thức tổ chức ra sao, ngân hàng đề thi thế nào, hạ tầng cơ sở vật chất trang thiết bị và cuối cùng là các chế tài và lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam”, GS Nguyễn Văn Minh nói.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn ủng hộ áp dụng công nghệ vào kỳ thi và cho rằng việc này cần làm khẩn trương nhưng có lộ trình từng bước chắc chắn. “Nếu đến năm 2025, chúng ta cơ bản áp dụng thi trên máy tính thì đó là thành công lớn mà nhiều nước chưa làm được” – ông Hoàng Minh Sơn cho hay.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long đồng tình có lộ trình phù hợp áp dụng thi trên máy tính; đồng thời cho rằng cần sớm hoàn chỉnh ngân hàng đề thi và có cập nhật, bổ sung hàng năm. Lộ trình đổi mới, hoàn thiện kỳ thi cần được công bố để người dân hiểu rõ.
GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đề nghị, cần cải tiến nội dung đề thi theo hướng đánh giá được năng lực người học, như kiểu thi PISA, tránh chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ kết hợp thi trên giấy và trên máy tính, tăng dần thi trên máy ở nơi có điều kiện. Để thực hiện thi trên máy cần trước hết là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, phải tăng cả về số lượng và chất lượng. Ngoài hạ tầng, phần mềm, hệ thống vận hành phải tính toán, tránh khâu quản lý vận hành không thống nhất, trục trặc. Cần đặc biệt quan tâm đến năng lực tổ chức thực hiện thi, bởi máy móc không thể thay thế con người; không quá nhấn mạnh vai trò của máy móc mà nhẹ về phần chuẩn bị, đặc biệt đội ngũ cán bộ khảo thí.
“Dù công nghệ tốt, nhưng quản lý không tốt có thể lại là kẽ hở cho tiêu cực. Do đó, cần quan tâm chuẩn bị cả đội ngũ khảo thí. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các sở GD-ĐT kiện toàn đội ngũ này, tăng cường cả về năng lực và phẩm chất để khi áp dụng công nghệ vào thì phải chắc chắn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm cần làm chắc chắn, nhưng cũng phải rất tích cực. Phải chuẩn bị kỹ phương án trước khi lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Với việc thi trên máy tính, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có lộ trình để thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho học sinh; làm thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngân hàng đề thi phải làm tích cực hơn, làm sao huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi; nhưng không vì ngân hàng câu hỏi mà trì hoãn việc tổ chức thi trên máy.