Là một trong những thí sinh rời khỏi điểm thi sớm nhất, Trần Phúc Vĩnh, học sinh Trường Quốc tế Á Châu, cho biết, câu hỏi nghị luận văn học ra tác phẩm "Đất nước" theo đúng mong muốn của nhiều học sinh. Do đây là tác phẩm thơ được ôn tập khá kỹ trong chương trình, chủ đề lòng yêu nước dễ phân tích nên em không gặp khó khăn khi làm bài.
Với câu hỏi nghị luận xã hội, Phúc Vĩnh cho rằng, chủ đề khá "khó chịu". Theo đó, vấn đề tôn trọng cá tính tuy gần gũi nhưng không dễ nêu dẫn chứng, thí sinh không có kỹ năng lập luận tốt sẽ dễ lạc đề.
Tương tự, với Vũ Phạm Quỳnh Như, học sinh lớp 12A2, Trường THCS-THPT Đăng Khoa, đề thi môn Ngữ văn gần như "tặng" điểm cho thí sinh ở câu hỏi nghị luận văn học do chỉ cần ôn tập nghiêm túc là có thể làm được bài. Ngược lại, câu hỏi nghị luận xã hội có yêu cầu đề khá ngắn, chỉ vỏn vẹn một câu nhưng không dễ lấy điểm.
Cùng chung nhận định, Thanh Vinh, học sinh lớp 12A12, Trường THPT Ersnt Thalmann, nhận định, câu hỏi nghị luận văn học "dễ bất ngờ". Ở câu hỏi nghị luận xã hội, thí sinh này lấy dẫn chứng các bạn nữ có cá tính mạnh trong lớp em.
"Em nghĩ cá tính là một phần cơ thể của mỗi người, là duy nhất và không giống với ai nên cần được tôn trọng. Không ai muốn mình trở thành bản sao của người khác nên vì thế cần phát huy những thế mạnh, màu sắc của riêng mình", Thanh Vinh bày tỏ.
Riêng với Lưu Diễm Phúc, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Ernst Thalmann, em làm 2 đôi giấy thi và khá tự tin với bài làm của mình. Diễm Phúc đánh giá, đề thi môn Ngữ văn năm nay dễ hơn năm ngoái. Trong đó, phần đọc hiểu không có câu hỏi khó. Ở câu hỏi nghị luận xã hội, Diễm Phúc lấy dẫn chứng về hình ảnh những người nghệ sĩ. Việc mỗi người có một màu sắc riêng là cần thiết và phải được tôn trọng.
Tại Hà Nội, thí sinh Phương Anh, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết, đề thi không có bất ngờ, "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là tác phẩm trọng tâm của chương trình, học sinh được học kỹ, vì thế không có gì khó khăn với thí sinh.
Với câu nghị luận xã hội, em cho biết rất thích, vì phù hợp với thế hệ trẻ hiện nay, nên em đã viết rất tâm huyết. “Tuổi của chúng em hiện nay tiếp xúc nhiều với mạng xã hội, từ đó hình thành những cá tính riêng. Có nhiều người dễ dàng tiếp nhận cá tính riêng đó, nhưng cũng nhiều người bài trừ, phán xét, do đó em đưa tất cả những suy nghĩ đó của mình vào bài viết. Em cho rằng, chúng ta đều cần tiếp nhận những cái mới để ngày một phát triển, biết tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân”, thí sinh Phương Anh chia sẻ. Em đã đỗ xét tuyển sớm Trường Đại học Ngoại thương do đó dễ dàng “phóng bút” với môn Văn.
Thí sinh Bùi Phương Thanh, học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội cũng cho biết, dồn tâm sức cho môn Văn để lấy điểm xét tuyển vào đại học. Nhận xét đề văn câu nghị luận văn học không khó, không bất ngờ nhưng hơi dài. Về câu nghị luận xã hội, Thanh cho rằng, đó là câu hỏi thú vị, rất phù hợp với giới trẻ hiện nay.
Trong khi đó, nhóm thí sinh đến từ Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết, dù học trường nhạc, nhưng đề văn cũng không làm khó các em, không bất ngờ, “không cần tủ” vẫn làm bài tốt.
Riêng câu đọc hiểu (3 điểm), đọc trích “Dòng sông và những thế hệ của nước” của tác giả Nguyễn Quang Thiều.
Chiều nay, thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán, thời gian làm bài 90 phút.
Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Bình Phú (quận 6), cho biết, cấu trúc đề thi năm nay tương đương với đề minh hoạ Bộ GD-ĐT đã công bố.
Trong đó, về nội dung, câu hỏi đọc hiểu là những kiến thức khá quen thuộc, rõ ràng, không đánh đố học sinh. Tuy nhiên, ở câu hỏi nhỏ 3, 4 của phần đọc hiểu, thí sinh có khả năng đọc, hiểu và tư duy, suy luận tốt mới đạt điểm trọn vẹn.
Ở câu hỏi nghị luận xã hội, đề thi đề cập vấn đề gần gũi với lứa tuổi học sinh, tạo điều kiện cho các em thể hiện suy nghĩ cá nhân trong bài viết từ những trải nghiệm của chính bản thân và sẽ rút ra bài học về cuộc sống. Tuy nhiên, bài viết phải có ý tưởng sáng tạo, lập luận tốt mới đạt được điểm trọn vẹn.
Với câu hỏi nghị luận văn học, đề ra một tác phẩm hay trong chương trình Ngữ văn lớp 12, học sinh đã được ôn tập kỹ lưỡng nên sẽ làm bài tốt. Tuy nhiên, phần câu lệnh yêu cầu thí sinh nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và tư duy của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện qua đoạn thơ, học sinh phải biết suy luận và hiểu sâu sắc về đoạn thơ và cả bài thơ "Đất nước" mới đáp ứng được yêu cầu đề bài.
Câu hỏi nghị luận văn học sẽ phân loại được bài làm của học sinh có năng khiếu môn Ngữ văn.
Với đề này năm nay, thí sinh không khó đạt điểm 7, nhưng để đạt điểm giỏi từ 8 điểm trở lên phải có khả năng cảm thụ văn chương tốt.