Trong 120 phút sáng 7-7, thí sinh thi môn Ngữ văn làm hai phần, trong đó phần "Làm văn" chiếm 7 điểm, hỏi về bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Là môn thi theo hình thức nghị luận duy nhất trong kỳ thi năm nay, Ngữ văn cũng là môn duy nhất thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài. Thí sinh nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Năm nay, cấu trúc đề thi vẫn được giữ nguyên so với các kỳ thi THPT các năm trước, cả về thời gian lẫn hình thức làm bài thi. Trong khoảng thời gian 120 phút, sĩ tử sẽ phải hoàn thành 2 phần là "Đọc hiểu" (3 điểm) và "Làm văn" (7 điểm).
Thí sinh Vũ Minh Duy, học sinh Trường THPT Phương Nam, quận Hoàng Mai, thi tại điểm thi Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận xét: Đề Ngữ văn không khó, các nội dung đều đã được ôn tập; các câu hỏi cũng không yêu cầu hiểm hóc về các biện pháp nghệ thuật, do đó thí sinh dễ làm bài, dễ kiếm điểm.
“Đề thi ra về tác phẩm "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh, là một tác phẩm thơ nhiều thí sinh quen thuộc nên sẽ dễ đạt điểm tốt”, Duy nhận định.
Thí sinh Phạm Trúc Anh, học sinh trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, dự thi tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận xét đề không khó để làm, nhưng để đạt được điểm tốt thì còn tùy vào người chấm do tính tự luận nhiều. Tuy không thực sự thích tác phẩm thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh nhưng em cho biết, em cũng viết được 10 trang giấy cho đề văn này. Câu nghị luận xã hội về chủ đề “Cống hiến” cũng khiến thí sinh dễ trình bày suy nghĩ cá nhân, rất thích hợp trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều thí sinh thích câu hỏi nghị luận xã hội bàn về một vấn đề thiết thực trong cuộc sống, phù hợp với phần lớn học sinh, đó là sự cần thiết phải cống hiến.
Chủ đề này được đánh giá phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, khi đất nước luôn cần sự cống hiến của mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
“Đề Ngữ văn nhẹ nhàng, động viên tâm lý sĩ tử mùa dịch rất tốt”, thí sinh Phạm Trúc Anh nhận xét.
Một số thí sinh khác nhận định, đề thi môn Ngữ văn năm nay khá bất ngờ bởi nhiều người không đoán đề thi có bài "Sóng" của Xuân Quỳnh (nhiều thí sinh hy vọng đề có thể ra tác phẩm “Đất nước”).
Tuy nhiên, với tác phẩm "Sóng", thí sinh đều đã được ôn tập kỹ về phương pháp làm bài và kiến thức cơ bản. Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn năm nay cũng không quá khó, hầu hết đều là nội dung đã được học. Phần liên hệ về lẽ sống cũng rất dễ để lấy điểm. Tuy nhiên, để đạt điểm cao môn Ngữ văn, vẫn cần tư duy logic mạch lạc.
Nhìn chung, đề thi Ngữ văn có cấu trúc giống như đề thi tham khảo, kiến thức nằm trong chương trình lớp 12. Nội dung câu hỏi cơ bản, không đánh đố thí sinh.
Phần đọc hiểu, nội dung mang ý nghĩa nhân văn khi nói về dòng chảy của cuộc sống con người và đặc biệt, học sinh có thể tưởng tượng, triển khai bài làm với kiến thức mở.
Sau buổi thi môn Ngữ văn, nhìn chung thí sinh có tâm lý hào hứng chuẩn bị cho buổi thi chiều nay, với môn Toán.
Có mặt tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), ghi nhận của PV Báo SGGP cho thấy, khi chuông vừa báo kết thúc giờ làm bài, loa phát thanh đã nhắc lại yêu cầu thí sinh di chuyển từ phòng thi xuống thẳng sân trường và cổng ra về, không tụ tập ở sân trường.
Tương tự, với thí sinh Minh Ngọc, học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, em đánh giá phần đọc hiểu văn bản trong đề thi năm nay rất dễ kiếm điểm, nội dung các câu hỏi không phức tạp, cấu trúc đề thi khá quen thuộc nên sẽ không làm khó thí sinh. Ở câu nghị luận văn học về nét đẹp nữ tính qua tác phẩm “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh là bài thơ đã học trong học kỳ 1, nhiều bạn không ôn kỹ nên có thể mất điểm ở câu này. Riêng câu nghị luận xã hội về vấn đề lẽ sống và sự cống hiến được Minh Ngọc cho rằng là chủ đề “tủ” đối với không ít thí sinh vì các bạn có thể dễ dàng nêu dẫn chứng về lực lượng y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Với riêng bản thân mình, Minh Ngọc còn dành sự biết ơn, trân trọng đối với các tình nguyện viên đã xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho hơn 89.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay. Các anh, chị tình nguyện viên xứng đáng là những tấm gương sáng cho những học sinh sắp tốt nghiệp như em noi theo.
Nhìn chung, các thí sinh đều cho biết các em gặp một chút khó khăn ở phần nghị luận văn học vì đoạn văn nêu ra trong đề thi khá bất ngờ, nhiều thí sinh không “học tủ” và là tác phẩm thơ đã học từ học kỳ 1. Tuy nhiên, ở câu nghị luận xã hội, hầu hết thí sinh cho biết dễ kiếm điểm, đề không đánh đố thí sinh, gợi mở cho các em nhiều suy nghĩ và bày tỏ quan điểm cá nhân trước những diễn biến thực tế của xã hội.