Hy vọng đoạt được tấm vé cuối cùng vào các trường đại học (ĐH) của thí sinh ở mùa tuyển sinh năm nay chỉ còn kéo dài từ nay đến ngày 10-10. Tuy nhiên, với tình hình xét tuyển NV2 vừa qua, nhiều khả năng trong đợt xét tuyển NV3 thí sinh sẽ chuyển hướng về các trường địa phương để tìm cơ hội.
Trường ngoài công lập: Bằng sàn là đậu
Nếu như kỳ tuyển sinh năm 2010 tham gia xét tuyển NV3 tại TPHCM có Trường ĐH Nông Lâm TPHCM với gần 1.000 chỉ tiêu, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM gần 400 chỉ tiêu, ĐH Văn hóa TPHCM hơn 400 chỉ tiêu… thì năm nay chỉ còn đúng 2 trường: Trường ĐH Văn hóa TPHCM 342 chỉ tiêu và Trường ĐH Ngân hàng TPHCM 65 chỉ tiêu.
Đáng nói hơn, ở 65 chỉ tiêu NV3 cho ngành Hệ thống thông tin quản lý của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM với điểm nhận hồ sơ là 18,5 điểm (khối A), sẽ rất hiếm thí sinh chọn. Bởi lẽ ngay cả NV2, ngành này chỉ có duy nhất 1 thí sinh đạt 18 điểm nộp hồ sơ vào.
Trong khi đó, ở khối ngành kinh tế có xét tuyển NV2 của các trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, điểm chuẩn NV2 cũng chỉ lấy ở mức từ 17 - 18,5 điểm. Tại Trường ĐH Văn hóa TPHCM, 342 chỉ tiêu cho 7 ngành hệ ĐH có thể dễ thở hơn vì điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn là 13 điểm (khối D1) và 14 điểm (khối C).
Ở những trường ngoài công lập tại TPHCM, cơ hội trúng tuyển luôn rộng mở vì mỗi trường dành gần cả 1.000 chỉ tiêu cho xét tuyển NV3. Tương tự, nhiều trường ngoài công lập tại Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội cũng thông báo dành từ 500 - 1.000 chỉ tiêu xét tuyển NV3.
Như vậy, thí sinh gần như hết cơ hội để chen chân NV3 vào các trường công lập tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, trong khi với nhóm trường ngoài công lập, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn là nắm chắc trúng tuyển.
Cơ hội ở các trường địa phương
Thực tế cho thấy, nhiều ĐH địa phương dù đã xin áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh năm 2011 trong xét tuyển NV2 nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Với kết quả xét tuyển NV2 bất ngờ như năm nay, rất nhiều thí sinh bắt đầu chuyển hướng về các ĐH địa phương khi cánh cửa NV3 vào đây vẫn còn dang rộng.
Tại khu vực ĐBSCL, thí sinh có thể tìm cơ hội học ĐH ở nhiều trường như ĐH Trà Vinh, ĐH Đồng Tháp, ĐH Bạc Liêu, ĐH An Giang… Trong đó, các ngành nông nghiệp như chăn nuôi, khoa học cây trồng, nuôi trồng thủy sản, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp được ưu tiên vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh.
Tại phía Bắc, các trường ĐH cũng dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển NV3. Các trường đại học thành viên thuộc ĐH Thái Nguyên dành gần 1.800 chỉ tiêu xét tuyển NV3 cho nhiều ngành nghề từ kinh tế, kỹ thuật, sư phạm cho đến những ngành nông lâm nghiệp.
Tại khu vực Tây Nguyên, Trường ĐH Tây Nguyên dành 160 chỉ tiêu NV3 cho 4 ngành chăn nuôi, giáo dục chính trị, văn học, triết học với điểm xét tuyển bằng với điểm sàn. Cách đó không xa, Trường ĐH Đà Lạt dành gần 1.500 chỉ tiêu xét tuyển NV3 cho các ngành (trừ ngành Luật học) với mức điểm nhận hồ sơ NV3 chỉ bằng điểm sàn.
Như vậy, cơ hội để thí sinh có một chỗ học ở các trường đại học địa phương là không nhỏ nếu thí sinh biết lựa chọn. Nếu so về mức điểm xét tuyển NV3 thì giữa các trường địa phương và các trường ngoài công lập gần như là ngang bằng nhau. Ngoài ra, mức học phí của những trường đại học địa phương khá mềm…
THANH MINH
Các trường công bố điểm chuẩn NV2 Ngày 20-9, Trường ĐH Luật TPHCM công bố điểm chuẩn NV2. Ngành Luật học có điểm chuẩn 18 điểm (khối A), 19 điểm (khối C), 17 điểm (khối D1) và 17,5 điểm (khối D3). Ngành Quản trị kinh doanh lấy 17,5 điểm (khối A) và 16 điểm (khối D1). Ngành Quản trị - luật lấy 17,5 điểm (khối A) và 16,5 điểm (khối D1). Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM có điểm chuẩn NV2 cao hơn điểm xét tuyển từ 1-4 điểm. Ngành Công nghệ hóa học có điểm chuyển cao nhất 17 điểm (khối A, B). Ngành Đảm bảo chất lượng - Vệ sinh an toàn thực phẩm lấy 15 điểm (khối A) và 16 điểm (khối B). Các ngành Tài chính ngân hàng, Kế toán lấy cùng điểm chuẩn 15 điểm (khối A) và 14,5 điểm (khối D), ngành Quản trị kinh doanh lấy 14,5 điểm (khối A) và 14 điểm (khối D)… T.HÙNG |