Em Trần Lâm, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trước giờ mở cổng, trang web của kỳ thi ĐGNL đã không thể đăng nhập. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, em đăng nhập vào tài khoản nhưng luôn trong tình trạng "treo", không thực hiện tiếp được các thao tác tiếp theo. “Thêm khoảng 30 phút sau thì em vào được và phải đợi rất lâu để thao tác từng bước. Em lần lượt chọn được đợt thi, điểm thi, ca thi, nhưng đến bước để xác nhận hoàn thành thì trang web tự động dừng lại, em phải quay về từ đầu”, Lâm cho biết.
Cũng nghĩ có thể do mạng, Lâm nhờ bố mẹ thoát hết các thiết bị để mình Lâm đăng nhập, nhưng việc đăng nhập vẫn trong trạng thái “treo”.
Sốt ruột và lo sợ không đăng ký được có thể thể do mạng, máy tính ở nhà “yếu”, Lâm vội vàng chạy ra quán internet. Hơn 11 giờ Lâm báo về cho gia đình biết là may mắn đã đăng ký được ca thi vào 7 giờ sáng của đợt thi thứ 3, ngay tại Hà Nội, điểm thi Trường Đại học Thăng Long. Hệ thống báo em đã đăng ký thành công ca thi, hướng dẫn em quay trở lại đóng lệ phí sau 1 giờ đồng hồ nữa.

Nhiều học sinh, phụ huynh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đa phần các gia đình có con ĐKDT ĐGNL đều phải “hợp lực” trong sáng 23-2 để hỗ trợ con em đăng ký.
Trên Fanpage "khảo thí ĐHQGHN" và nhiều hội nhóm, học sinh, phụ huynh đồng loạt phản ánh không thể làm gì trong hơn hàng tiếng đồng hồ. Có người đi được đến bước chọn ca thi và địa điểm thi thì bị "out".
Một số phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm: Năm 2023, con đăng ký ở nhà đến 11 giờ 30 mới xong nên năm nay đổi phương án ra quán internet từ đầu, vì quán internet có máy tính, mạng “khỏe” hơn ở nhà.
Nhiều gia đình cho biết đã tắt hết các thiết bị dùng wifi, bật 5G nhưng vẫn khá chật vật vì cổng luôn trong tình trạng "treo".

Nhiều thí sinh muốn thi ĐGNL ngay trong đợt đầu hoặc đợt thứ hai tại Hà Nội. Nhưng vì đăng ký khó khăn, nhiều em chấp nhận đăng ký thi ở tỉnh khác như Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình…
Theo đại diện của Trung tâm Khảo thí (ĐHQGHN) cho biết, sáng 23-2, cổng đăng ký bị chậm, chỉ khoảng hơn 2 giờ đồng hồ mở cổng thì ca thi này đã gần hết chỗ. Ngay từ khi mở cổng đăng ký, số lượng tài khoản truy cập trang chủ đăng ký thi rất lớn. Hệ thống giám sát ghi nhận từ 9 giờ đến 10 giờ 47 luôn có trên 250.000 người dùng truy cập trang chủ và 121.055 tài khoản thí sinh đăng nhập chọn ca thi. Lượng thí sinh đăng nhập và truy vấn dẫn đến ùn nghẽn, thí sinh phải chờ đợi để lựa chọn được địa điểm thi, ca thi.
Năm 2025, hệ thống đăng ký thi chỉ cho phép thí sinh lựa chọn 1 ca thi trong khung thời gian từ ngày 23-2 đến 2-3-2025 để tạo cơ hội cho nhiều thí sinh tiếp cận với kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN. Ca thi thứ hai được chọn sau ngày 3-3-2025 nếu còn chỗ trống và đảm bảo nguyên tắc hai ca thi phải cách nhau tối thiểu 28 ngày.
11 giờ 50 cùng ngày, hội đồng thi đánh giá năng lực thống kê đã nhận được 89.196 lượt thi, đạt 99,8% quy mô kỳ thi (90.000 chỗ thi năm 2025).
Thí sinh muốn thi thêm một đợt nữa sẽ đăng ký từ ngày 3-3, nhưng hầu hết các địa điểm thi, ca thi đã đủ chỗ nên xác suất để thành công rất thấp.
Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng nghẽn mạng khi ĐKDT ĐGNL của ĐHQGHN. Các năm trước, ĐHQGHN đều lý giải do số lượt truy cập cổng đăng ký cùng lúc quá cao. Nhiều em hết chỗ thi ở địa điểm mong muốn, phải di chuyển sang các tỉnh, thành khác.
Kỳ thi ĐGNL ĐHQGHN 2025 được tổ chức trong 6 đợt thi, lịch đăng ký diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6. Lệ phí dự thi từ năm 2025 là 600.000 đồng/thí sinh/lượt thi, tăng 100.000 đồng/lượt so với năm ngoái.
ĐGNL của ĐHQGHN là một trong hai kỳ thi riêng lớn nhất cả nước, khoảng 90 trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển đầu vào. Năm 2024, kỳ thi có hơn 100.600 lượt thí sinh tham gia, cao kỷ lục.
Bài thi ĐGNL của ĐHQGHN làm trên máy tính, thời gian 195-199 phút, gồm 2 phần thi bắt buộc về các lĩnh vực toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút) và văn học - ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút).
Phần thi thứ ba (50 câu hỏi, 60 phút) thí sinh lựa chọn phần khoa học hoặc tiếng Anh.