Năm 2018, có 38/38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển tham dự Olympic khu vực và quốc tế đoạt giải, gồm: 13 Huy chương Vàng (HCV), 14 Huy chương Bạc (HCB) và 11 Huy chương Đồng (HCĐ). Đây là năm tiếp nối thành tích cao nhất năm 2017 tất cả các đội tham gia đều đạt HCV; 100% thí sinh tham gia đều đoạt huy chương.
Đặc biệt Olympic Sinh học quốc tế đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay, em Nguyễn Phương Thảo ở trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi trên tổng số 261 thí sinh. Nguyễn Phương Thảo được tôn vinh là người chiến thắng cuộc thi (the first winer). Đây cũng là lần đầu tiên của đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ Olympic Sinh học quốc tế có điểm cao nhất của cuộc thi.
Bộ GD-ĐT cho rằng, có nhiều nguyên nhân tác động để làm nên thành tích đáng tự hào của công tác dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2018. Trong đó hàng đầu là những đổi mới căn bản đồng bộ về quản lý trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD-ĐT. Bộ đã tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác coi thi, chấm thi các vòng chọn học sinh giỏi (HSG) đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh tạo điều kiện để chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đoàn HSG khu vực và quốc tế, tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế, như kỳ thi chọn đội tuyển Olympic đối với môn Tin học triển khai áp dụng thi, chấm trực tiếp như hình thức tổ chức thi của quốc tế.
Cùng với đó, đã tiếp tục duy trì, bổ sung chính sách tuyển thẳng vào ĐH-CĐ đối với các học sinh đoạt giải HSG quốc gia và ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam cho các học sinh đoạt giải Olympic khu vực và quốc tế. Điều này tạo động lực phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao của học sinh và các nhà trường.
Đặc biệt là những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các em học sinh trong các đội tuyển quốc gia. Sự tận tụy của các thầy cô giáo ở các trường THPT, các thầy cô giáo, các nhà khoa học tham gia tập huấn đội tuyển, đưa đội tuyển đi thi, các thầy cô giáo trực tiếp dạy học và ôn luyện cho học sinh, những người đã dành trọn tình cảm, tâm huyết trong công tác giáo dục nói chung và công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước nói riêng.
Bên cạnh đó, học sinh Việt Nam cũng đạt thành tích ấn tượng tại Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học (Intel ISEF) - là hội thi hằng năm được tổ chức từ năm 1952.
Năm nay Việt Nam có 8 dự án tham dự Intel ISEF 2018, trong đó 1 dự án đoạt giải Ba chính thức của cuộc thi là dự án "Nghiên cứu phát triển liệu pháp thực khuẩn thể nhằm thay thế kháng sinh trong điều trị vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)" của học sinh Lê Tuyết Quỳnh Anh và Phạm Thị Minh Huệ, Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Ngoài ra, có 1 dự án được National Institute on Drug Abuse (NIDA) trao giải khuyến khích (Honorable Mention) là Dự án "Nghiên cứu nồng độ các chất trung gian dẫn truyền thần kinh hệ Dopaminergic, Serotonergic trong nước tiểu và mối liên quan với biến đổi hành vi người nghiện game" của học sinh Lê Hà Khoa và Nguyễn Phương Nam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội.
Để chọn được 8 dự án tham dự Intel ISEF 2018 từ 448 dự án dự thi Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2018, trong năm học 2017-2018 đã có hàng chục ngàn dự án được thực hiện trong các nhà trường, trong số đó có trên 5000 dự án tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh/thành phố. Con số đó đã nói lên sự phát triển của hoạt động trải nghiệm sáng tạo khoa học kỹ thuật cũng như giáo dục STEM trong giáo dục trung học đến thời điểm hiện tại. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng.