“Dài cổ” đợi THA
Chủ trì chương trình, ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, nhận xét, công tác THA dân sự ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thời gian qua, THA đã mang lại kết quả tích cực. Tuy vậy, còn nhiều vụ việc kéo dài chưa giải quyết, có vụ hơn 10 năm.
Cử tri Nguyễn Văn Hóa, người đại diện quyền lợi cho ông Đặng Gia Hạnh (Việt kiều Pháp), phản ánh, năm 2010, tòa án đã tuyên buộc ông Đặng Kim Long (ngụ quận 10, TPHCM) phải trả hơn 1,7 tỷ đồng cho ông Hạnh. Đến nay, ông Long vẫn chưa trả nợ và suốt gần 9 năm qua, ông Hạnh “dài cổ” đợi tiền.
Cử tri Nguyễn Ngọc Minh (ngụ phường 15, quận 10) đại diện cho ông Nguyễn Ngọc Long và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng phản ánh về tình trạng “dài cổ” đợi THA. Ông Long và bà Nhàn mua căn nhà của ông Đỗ Quốc Trinh và bà Đỗ Thị Hà từ năm 2002. Sau đó, căn nhà được bán cho người khác và vì vậy, tranh chấp phát sinh. Năm 2008, tòa án đã tuyên buộc ông Trinh, bà Hà phải trả lại tiền cho ông Long, bà Nhàn. “Suốt 11 năm qua, nạn nhân không có nhà để ở, còn căn nhà để THA lại đang được ông bà Trinh cho thuê, hưởng lợi”, ông Minh bức xúc.
Còn ông Lê Đăng Linh (quận Thủ Đức) buồn rầu kể, vợ chồng ông có con nhỏ học lớp 1 ở quận 10, hàng ngày phải chở con từ quận Thủ Đức tới trường ở quận 10, đi về là 30km. Dự tính chuyển con về quận 4 để đi học cho gần, vợ chồng ông bán nhà đang ở, đi vay mượn bà con, vay mượn ngân hàng để mua một căn nhà thông qua đấu giá tại quận này. Ông Linh chia sẻ: “Chúng tôi hàng tháng phải trả tiền vay ngân hàng (vay mua nhà - PV) cả trăm triệu đồng. Con tôi giờ đã học lớp 5, sắp xong bậc tiểu học mà nhà vẫn chưa có”.
Xử lý dứt điểm các việc THA trọng điểm
Trước lo lắng của ông Lê Đăng Linh, đại diện Chi cục THA dân sự quận 4, cho biết, hiện có 32 người đang sống trong căn nhà quận 4 mà ông Linh đã mua. Những người này không hợp tác giao nhà. Chi cục cam kết, trong tháng 9-2019, chi cục sẽ thực hiện cưỡng chế THA và giao nhà cho ông Linh.
Đặc thù án nhiều, án lớn, án phức tạp Số việc phải THA dân sự tại TPHCM chiếm 12,5%; số tiền chiếm 34,5% tổng số việc, số tiền phải thi hành trong cả nước. Đặc thù án nhiều, án lớn, án phức tạp nên công tác THA dân sự gặp nhiều khó khăn, thách thức. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan THA dân sự tại TPHCM đã thụ lý gần 98.400 việc (tăng 103 việc so với cùng kỳ) và trên 94.400 tỷ đồng (tăng gần 30.000 tỷ đồng). Đến nay, đã giải quyết được trên 43.100 việc và hơn 12.700 tỷ đồng. |
Lý giải với ông Nguyễn Ngọc Minh về việc THA chậm trễ, ông Lê Văn Kiệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 10, cho biết, ông Trinh và bà Hà không tự nguyện trả tiền cho ông Long và bà Nhàn. Ông Trinh và bà Hà cũng không còn tài sản nào khác ngoài căn nhà ở phường 15, quận 10. Tuy nhiên, chi cục chưa bán đấu giá căn nhà này được vì căn nhà vướng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Bởi, đất có nguồn gốc đất quốc phòng. Hiện nay, quận 10 đang chờ phúc đáp từ Cục Tiêu chuẩn chất lượng - Bộ Quốc phòng, để tính toán các bước xử lý tiếp theo.
Trong khi đó, với vụ việc đợi THA gần 9 năm qua mà ông Nguyễn Văn Hóa phản ánh, bà Nguyễn Thị Lương, Chấp hành viên Cục THA dân sự TPHCM, giải thích, khi kê biên căn nhà ở phường 12, quận 10 để đảm bảo trách nhiệm THA của ông Long thì phát sinh tranh chấp. Bà Lương khẳng định, sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa án, cơ quan THA sẽ thực hiện ngay nhằm đảm bảo quyền lợi cho ông Đặng Gia Hạnh.
Ông Phạm Huy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TPHCM, cho biết, việc tổ chức THA dân sự tại TPHCM ngày càng phức tạp, đương sự thường xuyên chống đối, không chấp hành các quyết định của cơ quan THA dân sự. Trong khi đó, quy trình, thủ tục xử lý tài sản, nhất là thủ tục xử lý bất động sản quá rườm rà, thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài.
Để khắc phục, ông Phạm Huy Hoàng nêu 6 giải pháp. Trong đó, cơ quan THA dân sự tiếp tục kiện toàn tổ chức các cơ quan trực thuộc; tăng cường kiểm tra quy trình xử lý THA của chấp hành viên, không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức vi phạm pháp luật. “Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động giải quyết THA có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chỉ đạo các vụ việc phức tạp, kéo dài; tổ chức THA dứt điểm các vụ án có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc kéo dài trên 3 năm. Cục THA dân sự TPHCM cũng tập trung dứt điểm các vụ việc THA có giá trị đặc biệt lớn, vụ việc trọng điểm như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Dương Thanh Cường, Phạm Công Danh…”, ông Phạm Huy Hoàng cam kết.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGÔ MINH CHÂU: Phải ngăn chặn kịp thời tình trạng tẩu tán tài sản Cơ quan THA dân sự cần có kế hoạch thực hiện, kế hoạch phối hợp cụ thể, tránh tình trạng đùn đẩy lẫn nhau làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cơ quan THA dân sự cũng phải lưu ý, có giải pháp phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng tẩu tán tài sản, nếu không thì sẽ khó khăn cho THA. Đồng thời cần kiểm tra, giám sát tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán hóa giá liên quan tài sản phải THA nhằm đảm bảo cho tài sản minh bạch, công việc THA được thuận lợi. Với trách nhiệm của mình, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện tích cực phối hợp với cơ quan THA dân sự các cấp để tổ chức THA dân sự một cách nhịp nhàng, đạt kết quả tốt nhất. Phó Chủ tịch HĐND TPHCM PHẠM ĐỨC HẢI: Giám sát tiến độ THA HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM trước hết cần khẩn trương chỉ đạo Cục THA dân sự TPHCM và các đơn vị liên quan phối hợp, xử lý dứt điểm các vụ việc THA dân sự cử tri đặt ra. Thứ hai, cần nhanh chóng tiếp tục giải quyết các vụ việc có điều kiện THA, tránh để việc THA tồn tại nhiều năm, gây bức xúc trong người dân. Cục THA dân sự TPHCM phải nhanh chóng xử lý, đeo bám quyết liệt xử lý các vụ việc THA, tránh đứt quãng, gây sự chậm trễ. Ban Pháp chế HĐND TPHCM phải giám sát các vụ việc THA cử tri đặt ra và phải có trả lời cụ thể cử tri trong tháng 8-2019; giám sát tiến độ THA dân sự các vụ việc đủ điều kiện thi hành của Cục THA dân sự TPHCM. |