Ngày 4-8, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi, chủ đề “Công tác thi hành án dân sự trên địa bàn TPHCM – thực trạng và giải pháp”. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM tham dự.
“Dài cổ” đợi THA
Chủ trì chương trình, ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM nhận xét, THA dân sự ảnh hưởng sâu sắc đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thời gian qua, THA đã mang lại kết quả tích cực. Số việc, số tiền phải THA năm sau đều cao hơn năm trước. Tuy vậy, còn nhiều vụ việc tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa giải quyết được, có vụ việc kéo dài hơn 10 năm; nhiều việc có đủ điều kiện thi hành nhưng chưa giải quyết cho đơn sự.
Cử tri Nguyễn Văn Hóa, người đại diện quyền lợi cho ông Đặng Gia Hạnh (Việt kiều Pháp), phản ánh, năm 2010, tòa án đã tuyên buộc ông Đặng Kim Long (ngụ quận 10, TPHCM) phải trả hơn 1,7 tỷ đồng cho ông Đặng Gia Hạnh. Cùng năm, Cục THA dân sự TPHCM đã ra quyết định THA và phối hợp kê biên căn nhà ở phường 12, quận 10 để đảm bảo THA. Tuy nhiên, đến nay, ông Long vẫn chưa trả nợ và suốt gần 9 năm qua, ông Hạnh vẫn “dài cổ” đợi tiền.
Ông Nguyễn Ngọc Minh (ngụ phường 15, quận 10) đại diện cho ông Nguyễn Ngọc Long và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng phản ánh về tình trạng "dài cổ" đợi THA.
Ông Long và bà Nhàn mua căn nhà của ông Đỗ Quốc Trinh và bà Đỗ Thị Hà từ năm 2002. Nhưng sau đó, căn nhà được bán cho người khác và vì vậy, tranh chấp phát sinh.
Tòa án đã xử lý tuyên buộc ông Trinh, bà Hà phải trả lại tiền cho ông Long, bà Nhàn; cùng năm 2008, vụ việc được chuyển sang THA dân sự.
“Suốt 11 năm qua, nạn nhân không có nhà để ở, còn căn nhà để THA lại đang được ông bà Trinh cho thuê, hưởng lợi”, ông Minh bức xúc.
Còn ông Lê Đăng Linh (quận Thủ Đức) buồn rầu kể, hai vợ chồng ông có con nhỏ học lớp 1 ở quận 10, hàng ngày phải chở con từ quận Thủ Đức tới trường ở quận 10, đi về là 30 km. Dự tính chuyển con về quận 4 học, hai vợ chồng bán nhà đang ở, đi vay mượn bà con, vay mượn ngân hàng để mua một căn nhà thông qua đấu giá tại quận này, đi lại cho gần. Đấu giá thành, tiền đã trả nhưng 4 năm trôi qua, ông Linh vẫn chưa nhận được nhà.
Ông Linh chia sẻ: “Chúng tôi hàng tháng phải trả tiền vay ngân hàng (vay mua nhà - PV) cả trăm triệu đồng. Con tôi giờ đã học lớp 5, sắp xong bậc tiểu học mà nhà vẫn chưa có. Mục tiêu đi học gần nhà vẫn chưa thực hiện được”.
Rất nhiều trường hợp khác, vụ việc đã được chuyển sang cơ quan THA dân sự song đến nay, vụ việc vẫn chưa được thi hành, quyền lợi người dân vẫn bị “treo”.
Chẳng hạn, ông Bùi Bình (quận Bình Thạnh) cho ông Trần Chí Bình (quận 8) vay 20 tỷ đồng, đến nay ông Trần Chí Bình vẫn chưa THA. Bà Trương Thị Kim Oanh (quận 5), có chồng qua đời vì tai nạn giao thông. Công ty TNHH – MTV dịch vụ vận tải Nam Thành phải đền bù cho gia đình bà Oanh 1,4 tỷ đồng nhưng đến nay, vẫn còn 125 triệu đồng công ty chưa bồi thường.
Xử lý dứt điểm các việc THA trọng điểm
Trước lo lắng của bà Trương Thị Kim Oanh, ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 6 cho hay, mới đây nhất, chi cục đã thu hồi thêm được 20 triệu đồng. Ông Minh mời bà Oanh ghé nhận tiền. Số tiền 105 triệu còn lại, ông Minh hứa sẽ tiếp tục làm việc với công ty Nam Thành để giải quyết sớm nhất cho bà Oanh.
Về trường hợp ông Lê Đăng Linh, bà Hoàng Thị Năm Hồng, Chi cục THA dân sự quận 4 cho biết, hiện có 32 người đang sống trong căn nhà quận 4 mà ông Linh đã mua. Những người này không hợp tác. Bà Hồng cam kết, trong tháng 9-2019, chi cục sẽ thực hiện cưỡng chế THA và giao nhà cho ông Linh.
Lý giải với ông Nguyễn Ngọc Minh về sự việc THA chậm trễ, ông Lê Văn Kiệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 10 cho biết, ông Trinh và bà Hà không tự nguyện trả tiền (hơn 149 lượng vàng SJC và hơn 24 triệu đồng) cho ông Long và bà Nhàn. Ông Trinh và bà Hà cũng không còn tài sản nào khác ngoài căn nhà ở phường 15, quận 10.
Tuy nhiên, chi cục chưa bán đấu giá căn nhà này được vì căn nhà vướng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Bởi, đất có nguồn gốc đất quốc phòng; lại được cấp lần thứ 2 cho người sử dụng trong khi theo quy định, phải xử lý thu hồi với trường hợp đã nhận từ 1 suất nhà đất trở lên.
“Hiện nay, quận 10 đang chờ phúc đáp từ Cục Tiêu chuẩn chất lượng - Bộ Quốc phòng, xem nhà đất có thuộc diện xử lý thu hồi không. Nếu căn nhà không bị thu hồi, thì quận mới thống nhất các bước xử lý tiếp theo. Quận sẽ đốc thúc vụ việc”, ông Trần Xuân Điền, Chủ tịch UBND quận 10 bổ sung.
Trong khi đó, với vụ việc đợi THA gần 9 năm qua mà ông Nguyễn Văn Hóa phản ánh, bà Nguyễn Thị Lương, Chấp hành viên Cục THA dân sự TPHCM giải thích, khi kê biên căn nhà ở phường 12, quận 10 để đảm bảo trách nhiệm THA của ông Long thì phát sinh tranh chấp. Lấy lý do đã bỏ tiền ra xây nhà, con gái ông Long đã kiện ra tòa để xác định quyền sở hữu chung căn nhà trên. Do đó, vụ việc phải hoãn THA và TAND quận 10 phải chuyển vụ kiện lên TAND TPHCM giải quyết theo thẩm quyền, vì có yếu tố nước ngoài.
Bà Lương cho hay, vụ kiện đang nằm trong giai đoạn trưng cầu chứng cứ và phải thực hiện ủy thác tư pháp nên kéo dài thời gian. Bà Lương khẳng định, sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa án, thì THA sẽ thực hiện ngay nhằm đảm bảo quyền lợi cho ông Đặng Gia Hạnh.
Ông Phạm Huy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TPHCM cho biết, việc tổ chức THA dân sự tại TPHCM ngày càng phức tạp, đương sự thường xuyên chống đối, không chấp hành các quyết định của cơ quan THA dân sự. Tình trạng kê biên nhà đất nhưng bán đấu giá không có người mua diễn ra nhiều tại tất cả các cơ quan THA dân sự. Trong khi đó, quy trình, thủ tục xử lý tài sản, nhất là thủ tục xử lý bất động sản, quá rườm rà, thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài.
Để khắc phục, ông Phạm Huy Hoàng nêu 6 giải pháp. Trong đó, cơ quan THA dân sự tiếp tục kiện toàn tổ chức các cơ quan trực thuộc, phân bổ biên chế hợp lý, gắn với biệt phái, luân chuyển, điều động công chức đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, chú trọng nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị; tăng cường kiểm tra quy trình xử lý THA của chấp hành viên, không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động giải quyết THA có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chỉ đạo các vụ việc phức tạp, kéo dài; tổ chức THA dứt điểm các vụ án có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc kéo dài trên 3 năm. Cục THA dân sự TPHCM cũng tập trung dứt điểm các vụ việc THA có giá trị đặc biệt lớn, vụ việc trọng điểm như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Dương Thanh Cường, Phạm Công Danh…”, ông Phạm Huy Hoàng cam kết.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGÔ MINH CHÂU: Phải ngăn chặn kịp thời tình trạng tẩu tán tài sản Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGÔ MINH CHÂU yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự TPHCM có giải pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng tẩu tán tài sản. Cần thấy việc THA dân sự muốn đạt kết quả tốt, thì cơ quan THA dân sự cần chú ý xây dựng kế hoạch thực hiện, kế hoạch phối hợp cụ thể, tránh tình trạng đùn đẩy lẫn nhau làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cơ quan THA dân sự cũng phải lưu ý, có giải pháp cụ thể nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng tẩu tán tài sản, nếu không thì sẽ khó khăn cho THA. Đồng thời, cần kiểm tra, giám sát tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán hóa giá liên quan tài sản phải THA nhằm đảm bảo cho tài sản minh bạch, công việc THA được thuận lợi. Với trách nhiệm của mình, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện tích cực phối hợp với cơ quan THA dân sự các cấp để tổ chức THA dân sự một cách nhịp nhàng, đạt kết quả tốt nhất. |
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM PHẠM ĐỨC HẢI: Giám sát tiến độ THA Phó Chủ tịch HĐND TPHCM PHẠM ĐỨC HẢI yêu cầu giám sát tiến độ thi hành án trên địa bàn TPHCM HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM trước hết cần khẩn trương chỉ đạo Cục THA dân sự TPHCM, tòa án, UBND quận, huyện phối hợp, xử lý dứt điểm các vụ việc THA dân sự cử tri đặt ra. Thứ hai, cần nhanh chóng tiếp tục giải quyết các vụ việc có điều kiện THA, tránh để việc THA tồn tại nhiều năm, gây bức xúc trong người dân. Cục THA dân sự TPHCM phải nhanh chóng xử lý, đeo bám quyết liệt xử lý các vụ việc THA, tránh đứt quãng, gây sự chậm trễ. Ban Pháp chế HĐND TPHCM phải giám sát các đơn vị liên quan thực hiện THA dân sự, giám sát các vụ việc THA cử tri đặt ra và phải có trả lời cụ thể cử tri trong tháng 8-2019; giám sát tiến độ THA dân sự các vụ việc đủ điều kiện thi hành của Cục THA dân sự TPHCM. |
Đặc thù án nhiều, án lớn, án phức tạp So với 62 tỉnh, thành trong cả nước, TPHCM có tổng số vụ thụ lý phải thi hành về việc và tiền lớn nhất. Số việc phải thi hành chiếm 12,5%; số tiền chiếm 34,5% tổng số việc, số tiền phải thi hành trong cả nước. Đặc thù án nhiều, án lớn, án phức tạp nên công tác THA dân sự gặp nhiều khó khăn, thách thức. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan THA dân sự tại TPHCM đã thụ lý gần 98.400 việc (tăng 103 việc so với cùng kỳ) và trên 94.400 tỷ đồng (tăng gần 30.000 tỷ đồng). Đến nay, đã giải quyết được trên 43.100 việc trên số có điều kiện giải quyết (đạt tỷ lệ 76%) và giải quyết xong hơn 12.700 tỷ đồng (đạt tỷ lệ gần 21%). Cơ quan THA dân sự phải cưỡng chế 289 trường hợp. |