Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong vụ án hình sự: Chống thất thoát, lãng phí

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện KSND tối cao sẽ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Đây được xem là một giải pháp đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh vật chứng, tài sản nhưng không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, chính xác vụ án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

5 biện pháp xử lý

Theo dự thảo nghị quyết, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án có thể xem xét, quyết định áp dụng ngay các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

&3a.jpg
Các xe ô tô là tang vật trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Địa ốc Alibaba - bị thu giữ từ năm 2019, đến năm 2022 mới có phán quyết của tòa án về xử lý vật chứng. Ảnh: THÀNH TRỌNG

Dự thảo nghị quyết cũng quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, bao gồm: Xử lý vật chứng, tài sản là tiền; Nộp tiền bảo đảm để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm ngừng giao dịch; Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và tạm giữ số tiền thu được; Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; Tạm dừng giao dịch và xử lý tài sản tạm dừng giao dịch.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhận định, nếu được thông qua, các biện pháp trên sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Thực tế, trong nhiều vụ án về kinh tế hiện nay, có nhiều tài sản là các dự án do thời gian tố tụng kéo dài, quy hoạch của địa phương thay đổi, bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất nên ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, của Nhà nước. Có không ít bất động sản ở vị trí đắc địa liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế…, như “khu đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn, số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 (hiện TPHCM đã hoàn thành thu hồi theo bản án - PV) phải xử lý theo quy trình với thời gian kéo dài, gây tổn thất lớn về giá trị tài sản, lãng phí nguồn lực rất lớn.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong ngày 30-10, sau khi Viện trưởng Viện KSND tối cao trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết. Nếu nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này, kết quả sơ kết 2 năm thực hiện nghị quyết sẽ được báo cáo tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2026. Kết quả tổng kết thực hiện nghị quyết và đề xuất hoàn thiện pháp luật sẽ được báo cáo tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2027.

Theo một thẩm phán tại TPHCM, thực tiễn xét xử có nhiều vụ án hình sự kéo dài, dẫn đến việc xử lý vật chứng là các tài sản để trả cho bị hại mất nhiều thời gian, làm giảm giá trị tài sản, ảnh hưởng tới quyền lợi của bị hại. Chưa nói tới các vụ án kinh tế lớn, chỉ riêng việc xử lý vật chứng trong các vụ án trộm cắp tài sản cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Như trong vụ án trộm cắp tài sản do Trần Anh D. thực hiện, đối tượng này sử dụng xe máy của chị Diều Thị N. để thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 26-2-2023. Đến ngày 19-6-2024, chiếc xe này mới được TAND TPHCM tuyên trả lại cho chị N., trong tình trạng “dây công tơ mét bị đứt, không gương, dàn nhựa bể, xe cũ gỉ sét…”.

Hài hòa lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân

Theo ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TPHCM, kể từ giai đoạn điều tra đến xét xử, nếu tài sản liên quan đến hành vi phạm tội có giá trị lớn hay mang tính đặc thù thì khi kê biên, ngăn chặn phải tính toán khâu xử lý từ giai đoạn này, không thể để tài sản đó “bất động”, dẫn đến hao hụt giá trị, ảnh hưởng đến việc thi hành án về sau. Việc linh hoạt trong xử lý là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Qua đó, vật chứng, tài sản tránh bị hư hỏng, thất thoát, lãng phí, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, Nghị quyết về thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự là một giải pháp đột phá nhằm chống tình trạng lãng phí. Đặc biệt với các dự án còn dở dang pháp lý, cần có cơ chế để xử lý tài sản đang bị kê biên phong tỏa, giúp các chủ dự án, nhà đầu tư hoàn thiện pháp lý dự án.

Đồng tình với dự thảo nghị quyết, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhận định, các quy định trong dự thảo nghị quyết nhằm bảo đảm quyền lợi của bị can, bị cáo; tránh lãng phí và hài hòa lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Ví dụ như đối với vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, nếu không tiếp tục được khai thác, sử dụng thì sẽ bị giảm hoặc mất giá trị. Vì vậy, các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được nêu trong dự thảo nghị quyết sẽ góp phần giải quyết các tồn đọng thực tế trong quá trình tố tụng.

Bên cạnh đó, người bị buộc tội cũng có cơ hội bảo vệ tài sản của mình, tránh bị thu giữ, tạm giữ, kê biên hoặc tạm dừng giao dịch một cách vô lý hay kéo dài. Việc được nộp tiền để bảo đảm thi hành án cũng giúp giảm thiểu những thiệt hại kinh tế mà người bị buộc tội có thể phải gánh chịu do việc tài sản bị phong tỏa.

Đề xuất về chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới

Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là một quy định có tính hệ thống, khái quát, cập nhật và đồng bộ với các quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; có tính liên thông với các quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương. Quy định này thể hiện 2 điểm mới: Xác định các chuẩn mực đạo đức cách mạng cùng các tiêu chí đánh giá việc thực hiện chuẩn mực; Phù hợp với giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng nước ta. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một quy định riêng về chuẩn mực đạo đức cách mạng, dù nội dung này đã được đề cập ở nhiều văn kiện khác của Đảng suốt thời gian qua.

Quy định số 144-QĐ/TW có 5 điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng, với 19 tiêu chí để đánh giá việc thực hiện các chuẩn mực này, gắn với 5 mối quan hệ và các nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các mối quan hệ đó. Trên nền tảng của Quy định số 144-QĐ/TW, xin có một số đề xuất về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới:

Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với lý tưởng và mục tiêu của Đảng. Cán bộ, đảng viên cần thể hiện sự trung thành với Đảng, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này cần được thực hiện đầy đủ, cả trong nhận thức lẫn hành động. Thứ hai, tận tụy phục vụ nhân dân. Phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Thứ ba, tăng cường chịu trách nhiệm và minh bạch giải trình; nhất là người đứng đầu thì càng phải chú trọng những điều này. Thứ tư, tôn trọng pháp luật và quy định. Thứ năm, chú trọng đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ. Đó là có tác phong làm việc chuyên nghiệp; thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, làm việc hiệu quả và sáng tạo.

Thứ sáu, khiêm tốn và cầu thị. Đó là luôn sẵn sàng tiếp thu ý kiến phản biện, học hỏi từ đồng nghiệp và nhân dân, nhất là các ý kiến phê bình, góp ý. Đó còn là rèn luyện tư duy khoa học trong tiếp nhận ý kiến phê bình, như tìm ra hạt nhân hợp lý, xây dựng thái độ tiếp thu…, thay vì chỉ co thủ, phản ứng.

Thứ bảy, rèn luyện phẩm chất cá nhân. Đó là chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần; thường xuyên tự rèn luyện, học tập để bồi dưỡng các phẩm chất, kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn, tự khai mở cho bản thân trên nhiều lĩnh vực chứ không phải ở những khía cạnh đã có. Thứ tám, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện để góp phần xây dựng cộng đồng trong điều kiện cụ thể của mình.

Tùy điều kiện cụ thể, ở mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực còn có thêm nhiều tiêu chí, chuẩn mực khác. Các chuẩn mực này không chỉ giúp cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, hoàn thiện bản thân mà còn góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.

VÂN TÂM

Tin cùng chuyên mục