Các cảng trên bao gồm: Cảng Lotus (Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3); Cảng SPCT (Chi cục Hải quan cửa khẩu Hiệp Phước); Cảng ICD Phước Long (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4); Kho hàng SCSC (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất).
Thông tin này được ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TPHCM thông tin chiều 11-12, tại cuộc họp liên quan triển khai kế hoạch về quản lý, giám sát hàng hóa cảng biển, cảng hàng không.
Ông Đinh Ngọc Thắng cho biết, đề án nhằm đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục doanh nghiệp (DN) kinh doanh kho bãi, cảng biển, cảng hàng không; rút ngắn thời gian, chi phí làm thủ tục của người khai hải quan; ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu… Đồng thời, đề án góp phần nâng cao tính tự động hóa của hệ thống công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ công tác kiểm tra, đối chiếu, đánh giá rủi ro…
Đánh giá sơ bộ từ Cục Hải quan TPHCM cho thấy, khối lượng công việc quản lý, giám sát hàng hóa cảng biển, cảng hàng không đang chiếm khoảng 50% khối lượng công việc toàn ngành. Thực tế, công việc năm sau nhiều hơn so với năm trước (từ 15- 20%) nhưng nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp thời, khiến cho hải quan TP gặp những khó khăn nhất định.
Để các DN nắm được thông tin, ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng Phòng giám sát quản lý (Cục Hải quan TP) cho biết, vừa qua đơn vị đã liên tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho DN cũng như cán bộ hải quan. Song song đó, Cục Hải quan TP cũng tiến hành rà soát lại, khảo sát, đánh giá thực trạng hạ tầng, chương trình công nghệ thông tin của DN…
Nhìn nhận về việc triển khai đề án sắp tới, ông Đinh Ngọc Thắng cho rằng, đây là một đề án thiết thực, tạo sự cạnh tranh công bằng cho các DN. Cụ thể, đề án góp phần quản lý chặt chẽ, kịp thời tình trạng biến động, quá trình di chuyển của hàng hóa; nâng cao tính tuân thủ của DN…