Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế

Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 22-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26, Thông báo số 55 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế và Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM  và Đà Nẵng.

Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên-Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách.

Dự thảo quy định rõ về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh thành phố.

Cụ thể, đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% quy định tại Luật Ngân sách nhà nước so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế và tỉnh Nghệ An, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên-Huế và tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu, để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng) để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Về định mức chi thường xuyên, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Trình bày báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban nhất trí ban hành Nghị quyết này để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa, dự thảo Nghị quyết quy định HĐND Thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được ban hành phí, lệ phí chưa có trong danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí nhưng đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc: việc điều chỉnh, ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Đối với việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự thảo Nghị quyết quy định: “Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước... và ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn”, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, hiện nhu cầu vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế khá lớn nhưng ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được toàn bộ. Do vậy, để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương, đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích quốc gia, Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tăng mức thu phí tham quan để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương trong việc bảo tồn, trùng tu di tích.

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Hải quân Việt Nam – Thái Lan tuần tra chung lần thứ 51

Hải quân Việt Nam – Thái Lan tuần tra chung lần thứ 51

Sáng 2-4, Biên đội tàu 263, 261 thuộc Hải đội 515, Lữ đoàn 175, Vùng 5 Hải quân nhân dân Việt Nam đã cập quân cảng Vùng 5 (Kiên Giang), kết thúc tốt đẹp chuyến tuần tra chung thường niên lần thứ 51 với Biên đội tàu 421, 561 của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Dấu ấn những buổi duyệt binh lịch sử

Dấu ấn những buổi duyệt binh lịch sử

Vào ngày 30-4-2025, buổi lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn sẽ được tổ chức tại TPHCM nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nước ta đã diễn ra 3 buổi duyệt binh quy mô lớn và nhiều buổi diễu binh, diễu hành tổ chức vào các năm chẵn kỷ niệm Quốc khánh hoặc kỷ niệm chiến thắng lịch sử.

Đề xuất luật hóa miễn trách nhiệm cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

Đề xuất luật hóa miễn trách nhiệm cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi, cơ quan soạn thảo đề xuất cần luật hóa quy định về việc miễn trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong trường hợp họ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Chủ tịch Quốc hội và phu nhân rời Hà Nội, lên đường tham dự IPU-150, thăm chính thức Uzbekistan và Armenia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân lên đường dự IPU-150, thăm chính thức Uzbekistan và Armenia

Chiều 1-4, chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng đoàn đại biểu cấp cao rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150) tại Tashkent; đồng thời thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2 đến 8-4.

Tìm lời giải quản lý cho chính quyền địa phương 2 cấp

Tìm lời giải quản lý cho chính quyền địa phương 2 cấp

Trước việc thực hiện Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, người dân nêu băn khoăn về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhất là cấp xã sẽ được tổ chức ra sao để không ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Hoàng Văn Tú (ảnh), Học viện Cán bộ TPHCM, đã nêu một số khuyến nghị trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, nhất là tại các đô thị lớn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 31-3. Ảnh: VIẾT CHUNG

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Ưu tiên trình Quốc hội quyết định các nội dung cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền

Chiều 31-3, phát biểu kết luận phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ ưu tiên trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền.