Thí điểm đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao tại Đồng Tháp: Giảm 30% chi phí sản xuất so với canh tác bình thường

Ngày 29-8, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn, đã đến khảo sát mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình thí điểm 50ha tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười đã mang lại hiệu quả đáng mừng cho nông dân
Mô hình thí điểm 50ha tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười đã mang lại hiệu quả đáng mừng cho nông dân

Tại cánh đồng thí điểm 50ha của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười), 24 hộ nông dân tham gia được chính quyền địa phương hỗ trợ 50% chi phí vật tư như: giống, phân bón, chế phẩm xử lý rơm rạ, tiền thuê máy sạ, thiết bị bay phun thuốc.

Nông dân canh tác giống lúa OM18 theo quy trình canh tác lúa bền vững, bước đầu đã giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng được cơ giới hoá, số hóa trong quá trình canh tác.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Thắng Lợi, cho biết hiệu quả rõ rệt của mô hình là giảm 30% chi phí sản xuất so với canh tác truyền thống, giảm phát thải và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông dân. Đây là lần đầu tiên, nông dân làm theo quy trình sạch, giảm phát thải nên bà con băn khoăn, nhưng năng suất đạt 6,5 tấn/ha đã giúp bà con an tâm.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, dự kiến sẽ mở rộng lên 149ha vào vụ đông xuân 2024-2025, hè thu 2025. Với mô hình thí điểm, bình quân giá thành sản xuất là 3.500 đồng/kg lúa, giá bán ra khoảng 8.500 đồng/kg, nông dân lợi nhuận khoảng 5.000 đồng/kg.

ttr.jpg
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao hiệu quả của mô hình thí điểm tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao hiệu quả của mô hình. Lợi ích tham gia mô hình không chỉ giảm 30% chi phí sản xuất, mà còn hình thành rõ hơn các cơ chế liên kết sản xuất. Thứ trưởng lưu ý địa phương theo dõi sát thực tế triển khai mô hình để xây dựng bộ tài liệu phù hợp, với mục đích làm cơ sở tập huấn cho lực lượng khuyến nông cộng đồng.

Được biết, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Bộ NN-PTNT triển khai 5 mô hình điểm tại các tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Trà Vinh.

Tin cùng chuyên mục