Theo quyết định này, 2 môn Tiếng Hàn và Đức sẽ được dạy thí điểm như môn Ngoại ngữ 1 - môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12 (hệ 10 năm) trong chương trình giáo dục phổ thông. Bên cạnh việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, hai môn học này sẽ giúp học sinh có thể vận dụng ngoại ngữ hiệu quả trong giao tiếp, học tập, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản. Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu, khả năng của học sinh phổ thông, nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Cụ thể, học sinh kết thúc lớp 6 đạt bậc 1; kết thúc THCS (lớp 9) đạt bậc 2; kết thúc THPT (lớp 12) đạt bậc 3. Tổng thời lượng chương trình là 1.155 tiết (mỗi tiết 35 phút), bao gồm cả các tiết ôn tập và kiểm tra, đánh giá. Thời lượng tương đương với bậc 1, bậc 2 và bậc 3 lần lượt là 420, 420 tiết và 315 tiết.
Với Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức, mục tiêu cơ bản là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).
Thời lượng chương trình môn Tiếng Đức cũng tương tự như chương trình môn Tiếng Hàn. Về đầu ra, học sinh học tiếng Đức kết thúc lớp 6 đạt bậc 1; kết thúc THCS (lớp 9) đạt bậc 2; kết thúc THPT (lớp 12) đạt bậc 3.
Nội dung của chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và Đức thể hiện định hướng cơ bản được nêu trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT. Ở cấp tiểu học (lớp 3-5), việc dạy hai ngoại ngữ này giúp học sinh bắt đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp cơ bản thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó chú trọng nhiều hơn đến nghe và nói. Học sinh cấp THCS sẽ hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, tư duy và nâng cao hiểu biết của về văn hóa, xã hội của Hàn Quốc, Đức cũng như các quốc gia khác, đồng thời hiểu sâu hơn về văn hóa, xã hội dân tộc mình. Mục tiêu ở cấp THPT là học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn, Đức dựa trên nền tảng chương trình đã học ở cấp tiểu học và THCS. Chương trình cũng sẽ trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng để học tập suốt đời, phát triển năng lực làm việc trong tương lai.
Như vậy, với việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và Đức hệ 10 năm thí điểm, các trường phổ thông có thể dạy hai môn học này là môn Ngoại ngữ 1 (môn học bắt buộc) nếu có học sinh đăng ký, đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên.
Với quyết định ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm của Bộ GD-ĐT, nhiều ý kiến lo lắng tưởng rằng ngoài môn ngoại ngữ đã học hiện nay, học sinh sẽ phải học thêm môn bắt buộc là tiếng Đức, tiếng Hàn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng, Bộ thí điểm môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm, vào Chương trình giáo dục phổ thông.
Hiện ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh được chọn đăng ký thi một trong 6 thứ tiếng gồm: Anh, Nga, Trung, Pháp, Nhật, Đức; tiếng Hàn chưa được đưa vào. Với kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội, thí sinh được chọn một trong năm thứ tiếng là Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.
Hiện nay, dù được lựa chọn học ngoại ngữ nào nhưng đa số các trường phổ thông dạy ngoại ngữ tiếng Anh. Chỉ một số trường chuyên dạy chuyên nhiều ngoại ngữ, hoặc một số ít trường có lớp học tiếng Nhật, Đức, Pháp.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Đức và tiếng Hàn được coi là Ngoại ngữ 2, là môn học tự chọn được tổ chức giảng dạy có thể từ lớp 6 đến lớp 12 với tổng thời lượng 735 tiết.