Đây là công nghệ neo đất vĩnh cửu (SEEE) đã nhận được Giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật xây dựng từ Trung tập kỹ thuật đê và sụt trượt đất (Nhật Bản).
Neo đất SEEE áp dụng phương thức cố định đầu neo bằng đai ốc, có cấu tạo chống ăn mòn 2 lớp, được sử dụng rất nhiều ở những công trình có địa chất là đất sét, đất cát và đá tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Tại Việt Nam, công nghệ này được thí điểm ở mái taluy số 7 thuộc đồi Ba Đẽo ngay chân cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh). Dự án sẽ thi công, xử lý tập trung vào diện tích khu vực trọng điểm của điểm sụt trượt là khoảng 270m², hoàn thành vào tháng 5-2019.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi thí điểm, các cơ quan chức năng sẽ kiểm chứng, so sánh với các công nghệ hiện đang được áp dụng, nếu phù hợp sẽ áp dụng rộng rãi neo đất SEEE tại các công trình đường bộ tại Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện các tuyến quốc lộ của Việt Nam có khoảng 30% đi qua địa hình đồi núi. Các mái dốc nằm hai bên các công trình đường bộ chủ yếu đang được áp dụng các giải pháp tạm thời nhằm ngăn ngừa hiện tượng sụt trượt đất dễ phát sinh vào mùa mưa. Trong nhiều năm qua, nhiều trường hợp sụt trượt tái phát sau khi xử lý đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn giao thông.