Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM

Đa số ý kiến ủng hộ việc áp dụng các chính sách đặc thù trong nghị quyết của Quốc hội cho việc đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị, bởi đây là trục “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng của 2 thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp

Sáng 10-2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể mở rộng về nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM. Đây là nghị quyết quan trọng nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện dự án, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất.

Dự thảo nghị quyết của Chính phủ với 6 nhóm chính sách đặc thù, gồm: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TPHCM.

Trong đó, đối với nhóm chính sách về huy động vốn quy định, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định việc cân đối, bố trí kế hoạch hàng năm số vốn ngân sách trung ương bổ sung tối đa 215.350 tỷ đồng cho TP Hà Nội và 209.500 tỷ đồng cho TPHCM; đồng thời, cho phép huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án.

Đối với nhóm chính sách về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, dự thảo nghị quyết quy định dự án đường sắt đô thị không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời được chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư.

Tại phiên họp, đa số đại biểu ủng hộ việc áp dụng các chính sách đặc thù trong nghị quyết của Quốc hội cho việc đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị, bởi đây là trục “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng của 2 thành phố. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ ưu, nhược điểm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ băn khoăn với quy định giao UBND TP được quyết định công trình không phải thi tuyển phương án kiến trúc; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phí tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư…

“Công trình đường sắt đô thị không chỉ phục vụ giao thông mà còn là dấu ấn du lịch, văn hóa, nhất là với Hà Nội thì kiến trúc rất quan trọng. Thời gian không nên là lý do để xem nhẹ vấn đề này”, ông Hạ phát biểu.

Về chỉ định thầu, ông Tạ Văn Hạ cho rằng, chỉ nên áp dụng trong trường hợp cấp thiết, vì đi ngược với xu thế chung và Luật Đấu thầu. Chỉ định thầu dễ nảy sinh tiêu cực.

Về kinh phí, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, không nên quy định “cứng” số liệu. Dự thảo cũng còn thiếu hẳn quy định về nhà đầu tư chiến lược để huy động vốn tư nhân...

Tin cùng chuyên mục