Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM

Sáng 19-2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết, sáng 19-2. Ảnh: QUANG PHÚC
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết, sáng 19-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo đó, về huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư, nghị quyết nêu, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến tại phụ lục kèm theo nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho TP Hà Nội và tối đa 209.500 tỷ đồng cho TPHCM trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.

Thủ tướng Chính phủ cũng được huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện các dự án và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.

Nghị quyết cũng nêu, UBND thành phố được quyết định bố trí vốn từ ngân sách thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm trước khi có quyết định đầu tư để triển khai thực hiện một số hoạt động phục vụ cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.

Nghị quyết cũng nêu rõ thẩm quyền của UBND thành phố trong phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị…

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết, sáng 19-2. Ảnh QUANG PHÚC.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết, sáng 19-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Nghị quyết cũng nêu các quy định áp dụng riêng cho TPHCM, bao gồm: trong khu vực TOD, UBND TPHCM được thu và sử dụng 100% đối với các khoản thu theo quy định để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng; HĐND TPHCM quy định chi tiết phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu quy định bảo đảm không trùng thu với các loại thuế, phí khác; UBND TPHCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, trường hợp vượt quá 120% thì Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức dư nợ vay phù hợp theo nhu cầu thực tế của thành phố.

Cùng với đó, hàng năm, trong quá trình chấp hành ngân sách, HĐND TPHCM được chủ động quyết định cụ thể nguồn vay trong nước và nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ bảo đảm trong tổng mức dư nợ vay và bội chi ngân sách thành phố đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

UBND TPHCM tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường trước khi dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD vận hành thử nghiệm (nếu dự án thuộc đối tượng thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường), đăng ký môi trường (nếu dự án không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường).

Về các quy định áp dụng riêng cho TPHCM, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định trần dư nợ vay 120% cho TPHCM.

Việc nâng từ 60% lên 120% đã là một bước tăng lớn, nhưng nếu tiếp tục cho phép điều chỉnh thì trần dư nợ sẽ mất ý nghĩa; cần có cơ chế kiểm soát để tránh rủi ro nợ công và mất cân đối ngân sách trung ương; đề nghị cần lập kế hoạch vay nợ hợp lý, lộ trình trả nợ rõ ràng và cơ chế chia sẻ nguồn thu với Trung ương để bảo đảm cân đối tài chính.

1.jpg
Các đại biểu Quốc hội thông qua các luật, nghị quyết, sáng 19-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã cho phép TPHCM được “vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp”.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội đề án về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và phấn đấu tăng trưởng GDP 2 con số trong giai đoạn 2026 – 2030; Chính phủ cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cho TPHCM năm 2025 là 8,5% nên hạn mức vay nợ của thành phố còn tiếp tục tăng thêm. Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết này đã quy định: “Trường hợp vượt quá 120% thì Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức dư nợ vay phù hợp theo nhu cầu thực tế của thành phố” để bảo đảm việc kiểm soát trần nợ công và hạn mức vay.

Theo nghị quyết, TPHCM có các tuyến đường sắt đô thị sau:

- Tuyến 1: Suối Tiên - Bến Thành - An Hạ.

- Tuyến 2: Củ Chi - Quốc lộ 22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm.

- Tuyến 3: Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ.

- Tuyến 4: Đông Thạnh (Hóc Môn) - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước.

- Tuyến 5: Long Trường - Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - Đề-pô Đa Phước.

- Tuyến số 6: Vành đai trong.

- Tuyến 7: Tân Kiên - đường Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu Công nghệ cao - Vinhomes Grand Park 8.

- Tuyến 8: Đa Phước - Phạm Hùng - Ngô Gia Tự - ga Sài Gòn - Công viên phần mềm Quang Trung - Hóc Môn - Bình Mỹ (Củ Chi).

- Tuyến 9: An Hạ - Vĩnh Lộc - Ga Sài Gòn - Bình Triệu.

- Tuyến 10: Vành đai ngoài.

Tin cùng chuyên mục