Chiều 14-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.
Trước đó, Quốc hội đã nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận xét, Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về vấn đề này đã được chuẩn bị tương đối chu đáo, thuyết phục, cả trên cơ sở chính trị, pháp lý lẫn thực tiễn.
Tuy nhiên, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, cơ sở pháp lý được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ để Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội là chưa vững chắc, thậm chí vi phạm tới 3 điều trong Hiến pháp (Điều 110, 111 và 114).
Theo đó, Điều 110 của Hiến pháp quy định, phường là đơn vị hành chính. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.
“Theo tờ trình thì phường sẽ không có HĐND, tức chỉ có một nửa chính quyền, mà một nửa chính quyền thì không gọi là chính quyền”, ĐB Lê Thanh Vân phát biểu.
Quy định này đảm bảo quyền của nhân dân thông qua bầu HĐND để kiểm soát chính quyền cũng như đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của nền hành chính quốc gia.
Nay bỏ HĐND thì không thể gọi UBND là cơ quan nhà nước theo đúng nghĩa chính quyền địa phương. Lãnh đạo UBND phường lại do Chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định để hợp thành một số chức danh của UBND thì mất ý nghĩa chế độ tập thể làm theo nguyên tắc đa số.
Phản biện lại ý kiến của ĐB Lê Thanh Vân, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lại cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường vẫn hợp Hiến.
Theo ĐB Phùng Văn Hùng, Hiến pháp quy định Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính và điều này là bất di bất dịch. Nhưng có thể có cả HĐND và UBND hoặc chỉ cần một đại diện là UBND. Còn cấp chính quyền gồm HĐND và UBND ở Hà Nội thể hiện rõ ở cấp tỉnh và cấp quận được tổ chức đầy đủ cả hai.
Dùng quyền tranh luận, ĐB Lê Thanh Vân nói, ĐB rất “ngạc nhiên” trước cách hiểu của ĐB Phùng Văn Hùng về chính quyền địa phương trong Hiến pháp.
“Đừng hiểu cấp chính quyền địa phương ở đây là cấp đơn vị hành chính. Ở đâu có đơn vị hành chính ở đó có chính quyền địa phương và được cấu thành bởi HĐND và UBND”, ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Ủng hộ việc bỏ HĐND cấp phường, ĐB Phan Thị Bình Thuận (TPHCM) cũng cho rằng, thời gian qua hoạt động giám sát của HĐND phường chưa rõ nét, nhân dân chưa tin tưởng, đang làm cắt khúc trong quá trình điều hành, hành chính nhà nước tại cấp cơ sở.
“Không tổ chức HĐND phường là hoàn toàn phù hợp”, ĐB Phan Thị Bình Thuận nêu quan điểm và kiến nghị thí điểm mô hình này tại một số tỉnh thành khác nữa để cùng thực hiện, có sự so sánh, từ đó có quyết sách chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự sắp xếp tinh gọn bộ máy hiệu quả, hiệu lực.
Đại diện cho địa phương thực hiện thí điểm, ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội nhất trí cao chủ trương thí điểm.