Người dân xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum phản ánh, tại “Dự án sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, rãnh dọc, hệ thống an toàn giao thông trên quốc lộ 24”, nhà thầu thi công là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu đường Kon Tum cùng Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum đã tự tiện xúc đất, cây trồng của người dân dù diện tích này không thuộc diện thu hồi.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, dọc 2 bên quốc lộ 24, nhiều vị trí đất trồng keo, chuối, cà phê, dỗi xanh của người dân bị san ủi, dấu máy xúc in hằn trên đất. Ngoài ra, rừng thông tuyệt đẹp trồng ở 2 bên đường cũng bị xúc đất làm trồi rễ.
Ông A Brên (thôn Vi Choong, xã Hiếu) cho biết, vào tháng 6, nhà thầu thi công không thông báo mà tự tiện xúc đoạn đất dài 100m, sâu khoảng 2m của gia đình, gây thiệt hại 50 cây chuối và cà phê. Chỉ tính riêng thôn Vi Choong, có ít nhất 5 hộ dân bị nhà thầu tự tiện san ủi cây trồng, đất sản xuất. Lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã kiểm tra, xác định tại vị trí thi công, có 26 cây thông ba lá do UBND xã Hiếu quản lý bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo UBND xã Hiếu, nhà thầu đã thừa nhận vi phạm. Để xảy ra vi phạm nói trên là do nhà thầu thi công ẩu. UBND xã đã đề nghị nhà thầu khẩn trương thống kê số hộ dân cùng diện tích bị ảnh hưởng để đền bù cho dân; với cây rừng, nếu xác định bị thiệt hại, UBND xã Hiếu sẽ xử lý theo quy định.
Tại một dự án khác do Sở GTVT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư là “Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 24” cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Theo ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu, từ năm 2021 đến năm 2022, trong quá trình thi công dự án đã gây sạt lở đất đá, vùi lấp ruộng dân. Xã đã phối hợp kiểm tra, xác định sự việc nói trên là đúng. Trong đợt 1, nhà thầu đã đền bù cho 87 hộ dân. Sau đó, tình trạng này tiếp tục tái diễn, với 56 hộ dân tiếp tục bị ảnh hưởng. Đến nay, còn 23/56 hộ chưa đồng thuận mức đền bù. Người dân vẫn giữ nguyên hiện trạng để phục vụ đo đạc đền bù.
Ông Phan Thế Vinh cho biết thêm, cũng tại dự án này, quá trình thi công đã lộ ra bất cập là khi lắp cống thoát nước, phần đất sản xuất của 12 hộ dân ở hạ lưu cống có nguy cơ bị ngập khi nước mưa theo đường cống đổ về. Vì vậy, người dân mong muốn phần diện tích này sẽ được đền bù do thiệt hại phát sinh.