Theo Tổng cục Lâm nghiệp, chương trình giám sát voi và vùng sinh cảnh nhằm hiểu về voi và vùng sống của chúng là một trong những giải pháp căn bản để bảo tồn loài voi và giảm thiểu xung đột voi với người.
Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia của HSI tại Việt Nam cho rằng: “Xung đột voi và người diễn ra trong nhiều năm khiến cộng đồng, người dân xung quanh không chỉ mất mùa màng, hoa màu mà còn gây hoang mang, lo lắng cho họ. Chúng tôi hi vọng việc nghiên cứu, giám sát này sẽ giúp tìm hiểu căn nguyên, gốc rễ của vấn đề và các kết quả thu được sẽ là "tiếng nói" phản ánh nhu cầu từ phía động vật - một bên liên quan mà chúng ta ít khi tham vấn khi xây dựng kế hoạch bảo tồn chúng. Chúng tôi tin chắc rằng việc bảo tồn và tăng đàn voi hoang dã một cách tự nhiên tại Đồng Nai sẽ là cảm hứng cho những người làm bảo tồn trên cả nước”.
Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, voi ở Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng trong vòng 4 thập kỷ qua. Nhưng sau rất nhiều nỗ lực, quần thể voi tại Đồng Nai đã có bằng chứng đem lại tín hiệu đáng mừng. Mới đây, Chính phủ đã cho phép gia hạn thực hiện Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam đến năm 2025.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong vòng 40 năm từ năm 1975 đến năm 2015, các quần thể voi nhỏ, bị phân mảnh tại Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng tới 95% và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Riêng tại Đắk Lắk, đã có ít nhất 23 cá thể voi rừng bị chết trong giai đoạn 2009-2016, chiếm khoảng 25% tổng đàn hiện nay và tại Đồng Nai, khoảng 9 cá thể voi rừng đã chết trước năm 2014. Hiện nay, Đồng Nai là ngôi nhà của khoảng 20 cá thể voi tự nhiên sinh sống. Kiểm lâm Đồng Nai đã xây dựng và hoàn thiện 50km hàng rào điện và hiện đang xây dựng tiếp 25km hàng rào điện để giảm thiểu xung đột voi với người.