Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa kết thúc. Kỳ thi đã diễn ra trong bối cảnh rất nhiều thách thức khi dịch Covid-19 lan rộng, diễn biến vô cùng phức tạp. Tuy đây là năm thứ 2 chúng ta tổ chức kỳ thi trong bối cảnh có dịch, chia thành 2 đợt, nhưng năm nay tình hình dịch phức tạp hơn, đặc biệt tại TPHCM. Nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm cao độ của các cấp ngành, địa phương, thí sinh cả nước đã hoàn tất kỳ thi tương đối an toàn. Chúng ta thêm một lần nữa được chứng kiến và thấu hiểu với sự lo toan, vun vén của mỗi gia đình, của cả hệ thống, toàn xã hội với tương lai của thế hệ trẻ.
Trước khi diễn ra kỳ thi, có rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc có nên tổ chức kỳ thi trong lúc dịch bùng phát. Hiểu được băn khoăn của toàn xã hội, Chính phủ, ngành chức năng, các địa phương cũng đã tính toán rất nhiều. TPHCM - nơi dịch phức tạp nhất đã rất cẩn trọng lấy ý kiến phụ huynh về việc có thi đợt 1 hay không.
Dù còn nhiều lo lắng, nhưng cuối cùng cả 63 tỉnh thành đều tổ chức đợt 1 (23.569 thí sinh không thể dự thi đợt 1, chiếm tỷ lệ 2,31%). Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhưng kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm trên cả nước. Cả kỳ thi với gần 1 triệu thí sinh tham dự, chỉ có 18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ thi. Quá trình tổ chức thi, một số điểm thi tại TPHCM xuất hiện thí sinh bị mắc Covid-19 nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có tính toán phương án xử lý cụ thể các tình huống phát sinh, TPHCM đã kịp thời xử lý trên tinh thần đảm bảo an toàn và quyền lợi cho thí sinh. Công tác đảm bảo an toàn phòng dịch được từng điểm thi, từng tỉnh thành thực hiện nghiêm túc, khoa học, theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ GD-ĐT đã quyết định tổ chức 2 đợt thi, để các thí sinh không thể dự thi đợt 1 do dịch Covid-19 có thể dự thi đợt 2, đảm bảo an toàn, quyền lợi cho các em. Công tác tuyển sinh cũng được tính toán để thực hiện 1 lần chung cho cả 2 đợt, đảm bảo cao nhất sự công bằng và quyền lợi cho thí sinh. Trong khó khăn, thí sinh cả nước cảm thấy được quan tâm, quyền lợi được bảo đảm, đó là thành công lớn nhất của kỳ thi.
Nhưng kết thúc thi mới chỉ là một khâu, còn kết quả thành công của kỳ thi còn phụ thuộc vào giai đoạn sau, đặc biệt là khâu chấm thi. Từ ngày 9-7, nhiều địa phương triển khai các công đoạn của khâu chấm thi. Theo quy định, hội đồng chấm thi phải chấm chung, nên trong điều kiện dịch Covid-19 sẽ có một số nơi gặp khó khăn. Tùy điều kiện mà địa phương quyết định cách làm phù hợp nhất nhưng cũng phải bảo đảm chấm thi nghiêm túc nhất. Phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm, đảm bảo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Công tác kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi cũng cần được tăng cường để bảo đảm tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.
Trong mọi khâu của kỳ thi đều tiềm ẩn rủi ro nếu người thực hiện chủ quan, lơ là, sai quy trình. Cả xã hội đã khá nhọc nhằn để lo tổ chức một kỳ thi bảo đảm an toàn. Vì vậy, ngành giáo dục lại càng phải có trách nhiệm bảo đảm việc chấm thi đúng quy chế, chính xác tuyệt đối, không để xảy ra gian lận thi. Có như vậy, ngành giáo dụng mới tròn sứ mạng của mình với tất cả phụ huynh, thí sinh, đáp lại sự kỳ vọng của xã hội.