Theo Vó ngựa hồng về miền cổ tích

Từ đồ án tốt nghiệp của một nhóm sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện (Trường Đại học FPT), dự án Vó ngựa hồng đã bước ra đời sống, không chỉ giúp những người trẻ hiểu hơn về truyện cổ tích, về văn hóa Việt mà còn định vị cho nó những giá trị riêng.

Miền cổ tích của những người trẻ

Dự án Vó ngựa hồng ra đời vào tháng 9-2024, với 4 thành viên: Trần Đình Huy (trưởng nhóm), Đào Quý Quân, Nguyễn Phúc Xuân Thy và Thái Hà Ánh Dương. Theo chia sẻ của Trần Đình Huy, qua tìm hiểu, nhóm nhận thấy có nhiều dự án đang sử dụng chất liệu truyện cổ tích Việt Nam, nhưng khai thác giá trị văn hóa truyền thống từ truyện cổ tích thì chưa có.

H6A.jpg
Tiết mục kịch Cổ tích vó ngựa hồng tại gala show hội đình Tích mộng dệt hội

“Dự án Vó ngựa hồng ra đời với mong muốn góp phần truyền cảm hứng trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam, để những giá trị này không bị lãng quên và mai một, mang đến cho giới trẻ cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về văn hóa dân tộc”, Trần Đình Huy cho biết.

Trong dự án Vó ngựa hồng, các thành viên đã khai thác 9 câu chuyện cổ tích, trong đó có 6 câu chuyện mang giá trị văn hóa về mặt tinh thần và 3 câu chuyện cổ tích về phong tục, tập quán. Đây là 9 câu chuyện cổ tích được khai thác xuyên suốt trong dự án. “Dự án Vó ngựa hồng là sự kết nối giới trẻ trong độ tuổi 18-24 với văn hóa truyền thống, đặc biệt là qua các câu chuyện cổ tích Việt Nam, được thực hiện với nhiều hình thức và đa kênh”, Trần Đình Huy chia sẻ.

Vào tháng 10-2024, dự án kết hợp với nhóm Người kể chuyện phim và đại diện của hãng SONY, tổ chức buổi workshop “Người nay kể chuyện xưa”, giúp khán giả khám phá chiều sâu trong những câu chuyện cổ tích vốn đã quen thuộc với người Việt Nam. Đặc biệt, vào cuối tháng 11-2024, Vó ngựa hồng đã tổ chức gala show hội đình “Tích mộng dệt hội” tại Trường Đại học FPT (Khu Công nghệ cao TPHCM, TP Thủ Đức, TPHCM). Đây cũng chính là một trong những hoạt động thuộc đồ án tốt nghiệp của nhóm.

Tại chương trình, những người tham dự đã thực sự được hòa mình vào các hoạt động thú vị và những màn trình diễn mãn nhãn trong không gian đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Chương trình được chia thành 2 khu vực với 2 chủ đề: “Cổ tích tour” mang đến những trò chơi nhân gian đầy thú vị, khơi gợi lại ký ức tuổi thơ về những câu chuyện cổ tích nhiệm màu, quen thuộc như: Bánh chưng bánh dày, Trầu cau, Cây tre trăm đốt, Ăn khế trả vàng, Chàng quân tử… Còn gala “Tích mộng dệt hội” với các hoạt động diễn kịch và biểu diễn âm nhạc, với sự hỗ trợ của các sinh viên đến từ Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TPHCM và Sân khấu kịch Thiên Đăng.

“Chúng tôi mang đến những câu chuyện, thông điệp theo cách sáng tạo, mới mẻ, phù hợp với thời đại, giúp các giá trị văn hóa trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn trong mắt giới trẻ. Từ đó, góp phần khơi dậy niềm đam mê và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, Đào Quý Quân cho biết.

Đánh thức giá trị của truyện cổ tích

Bảo vệ xong đồ án tốt nghiệp, nghĩa là cả bốn thành viên đã hoàn thành xong “nhiệm vụ cao cả” của cuộc đời sinh viên. Tuy nhiên, với cả nhóm, đây chưa phải là kết thúc, mà Vó ngựa hồng sẽ còn “phi nước đại” với những hình thức khác nhau. Đầu tháng 12-2024, dự án ra mắt MV Vó ngựa hồng, kết hợp giữa âm nhạc với cách kể chuyện độc đáo, giúp những câu chuyện cổ tích trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn.

Không chỉ dừng ở việc lan tỏa, dự án Vó ngựa hồng còn hướng đến việc “đánh thức” những giá trị của truyện cổ tích, tạo ra lợi nhuận để có thể làm được nhiều hoạt động hữu ích cho cộng đồng. Song song với các hoạt động vệ tinh, dự án Vó ngựa hồng còn triển khai hoạt động sản xuất và bán các sản phẩm như túi tote, dây đeo thẻ… Trên các sản phẩm này đều có những hình ảnh ứng dụng từ truyện cổ tích do các thành viên của dự án thiết kế. Đặc biệt, ngoài túi tote và dây đeo thẻ, mới đây, dự án Vó ngựa hồng vừa hợp tác thêm với 1 thương hiệu thời trang trong nước để đưa những hình ảnh này lên áo thun.

Đào Quý Quân cho biết, toàn bộ lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm sẽ được nhóm gửi cho dự án “The Book-nest 2024” để mua sách, truyện cổ tích Việt Nam gửi tặng các em nhỏ. Đây là dự án xây dựng các không gian tương tác và trải nghiệm đọc sách cho các học sinh ở vùng khó khăn, do chi hội YBA Tân Sơn Nhất (trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ TPHCM) thực hiện. “Chiến dịch này được chúng tôi khởi động ngày 20-10-2024, dự kiến kết thúc vào tháng 4-2025. Để những giá trị văn hóa trong các câu chuyện cổ tích được lưu truyền và gìn giữ, chúng tôi tin rằng mỗi đóng góp nhỏ của tất cả chúng ta đều sẽ tạo nên sự thay đổi cho thế hệ sau này”, Đào Quý Quân bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục