Đó là đôi điều phác họa về Chử Hoàng Minh Đức, học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM).
Cậu học trò sớm rèn tính tự lập
Chử Hoàng Minh Đức có niềm say mê mãnh liệt đối với môn Lý. Nói về tình yêu đặc biệt này, Minh Đức cho biết em thích môn Lý từ năm lên lớp 7. Nhà ở Vũng Tàu nhưng Đức đã có một quyết định táo bạo, khi đăng ký thi vào lớp chuyên Lý của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Đức bày tỏ: “Lúc biết kết quả thi đậu, em chỉ nghĩ đơn giản là tuy ao làng vẫn tốt nhưng tắm mãi ở một nơi sẽ không phát triển được hết năng lực bản thân, ra ngoài vùng vẫy một lần cho biết người biết ta”. Quyết tâm là vậy nhưng phải mất hơn 3 tháng, Đức mới dần quen được cuộc sống xa nhà đầy thiếu thốn, phải tự mình quyết định và làm tất cả mọi thứ. Môi trường sống xung quanh cũng xa lạ khi hầu hết các bạn trong lớp đều có bạn học chung từ trường cấp 2, tan học có ba mẹ hoặc người thân đưa đón, còn Đức chỉ lủi thủi đi về một mình, tập học cách thích nghi với cuộc sống mới trong căn phòng trọ chật chội ở quận 5.
Trải qua gần 2 năm học tập và ở trọ xa nhà, cậu học trò xứ biển đến nay đã thở phào nhẹ nhõm khi cho biết mình đã quen và hòa nhập được cuộc sống ở TPHCM. Em có những người bạn rất tuyệt vời, có cùng niềm đam mê và sở thích nghiên cứu. Quan trọng hơn cả, Đức đã và đang viết tiếp giấc mơ có từ những năm trung học cơ sở: trở thành kỹ sư điện tử. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Đức cho biết đang nỗ lực hoàn thiện thêm các chứng chỉ, làm cơ sở nộp hồ sơ xin học bổng du học tại Mỹ. “Em muốn trở thành một kỹ sư điện tử giỏi, có thật nhiều phát minh cống hiến cho xã hội. Giải thưởng vừa đoạt được tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế sẽ là một trong những động lực giúp em có thêm sức mạnh cũng như tự tin theo đuổi ước mơ của mình”, Đức bày tỏ.
Trưởng thành từ dự án mang đậm tính nhân văn
Trưởng thành từ dự án mang đậm tính nhân văn
Nhớ lại giờ phút tên mình và một bạn cùng lớp tham gia dự án “Găng tay chuyển ngữ cho người khiếm thính” được xướng lên tại lễ trao giải Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, Đức cho biết tim em như vỡ òa, mọi cảm xúc dồn nén bấy lâu đều vỡ tung hạnh phúc. Đây là dự án tạo ra sản phẩm hỗ trợ chuyển ngữ cho người khiếm thính trong quá trình giao tiếp. Trong đó, khi một người không có khả năng nghe - nói, đeo găng tay, mọi hoạt động, cử chỉ của họ sẽ được nhận diện và chuyển ngữ thông qua một phần mềm chạy trên hệ điều hành Android và điện thoại di động thông minh. Qua đó, người cầm điện thoại có thể hiểu được người câm điếc đang nói gì, giúp hai bên có thể dễ dàng trao đổi và hiểu ý nhau hơn.
Điều đặc biệt của dự án không phải là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế tạo sản phẩm sử dụng trong thực tế, mà xuất phát từ lòng nhân ái của cậu học trò muốn dành những điều tốt đẹp hơn cho những số phận kém may mắn. Đức tâm sự, từ hình ảnh chiếc găng tay có thể điều khiển cánh tay robot được xem trên ti vi, em và bạn cùng lớp đã tự mày mò, nghiên cứu, áp dụng nguyên lý cánh tay robot vào việc nhận diện những cử động của bàn tay. Sau đó xây dựng thêm phầm mềm chuyển ngữ ra tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác, giúp người bình thường có thể hiểu được ngôn ngữ của người câm điếc. Trải qua hơn 10 tháng miệt mài nghiên cứu, cậu học trò đã gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề kỹ thuật, chuyên môn đến việc sắp xếp thời gian, cân bằng giữa việc học và nghiên cứu. “Nhiều công đoạn em đã làm và muốn cải tiến nhiều hơn nữa, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới biết nó vượt xa rất nhiều kiến thức tụi em được học ở trường phổ thông. Vì vậy em phải tham khảo thêm tài liệu trên internet, xin hướng dẫn của một số giảng viên đang dạy ở các trường đại học trong thành phố. Rồi cả việc thuyết trình, đứng trước đám đông trình bày và thuyết phục ý tưởng, em cũng phải tập luyện rất nhiều, để đem đề tài của mình đến gần hơn với mọi người”, Đức nhớ lại.
Hiện nay, dù đã đạt được thành tích cao tại cuộc thi quốc tế nhưng cậu học trò nhỏ vẫn đang trăn trở tìm lối ra cho sản phẩm của mình. Đức chia sẻ, em muốn đem sản phẩm đến gần hơn với nhiều học sinh khuyết tật và những người câm điếc, giúp các bạn vượt qua trở ngại về ngôn ngữ trong giao tiếp, có thể hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống xã hội. Trước mắt, em mong có một đơn vị nào đó có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chuyên môn cũng như kinh tế để hoàn thiện hơn sản phẩm, sớm đưa găng tay chuyển ngữ ra thị trường giúp đỡ cộng đồng người khiếm thính, cho cuộc sống tốt đẹp hơn.