Theo dấu mì gõ

Theo dấu mì gõ

Sau thời gian lăn lộn cùng giới bán mì gõ-hủ tiếu gõ ở TPHCM, phóng viên Tuần san SGGP Thứ Bảy đã ra tận vùng quê Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi (địa phương có nhiều người vào TPHCM bán mì gõ) và bất ngờ trước những sự thật nơi đây.

  • Công nghệ mì “giá bèo”
Theo dấu mì gõ ảnh 1

Một xe mì gõ do người Quảng Ngãi làm chủ tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG.

Xe mì gõ của anh Lê Quốc H. ở chung cư Phú Lâm đêm nào cũng bốc khói đến 2 giờ sáng. Do giá rẻ, 2.000đ/tô, nên cả 2 xe mì do Hùng sở hữu lúc nào cũng hết hàng.

Mấy năm nay, từ ngày thôi nghiệp gõ thuê để trở thành ông chủ, H. đưa luôn vợ và 2 đứa con từ Đức Phổ vào TPHCM sinh sống. Không còn vất vả như trước vì bây giờ các loại hủ tiếu, giá, thịt heo, hành phi... đều đã có “mối” – cũng là đồng hương- mang đến giao gối đầu mỗi sáng.

Vợ H. chỉ còn mỗi việc nêm nếm nồi nước lèo cho ngọt bằng công thức sau: 40 lít nước, 1kg xương heo, ½kg thịt nạc, ½kg đường, muối và 200gr bột ngọt (công thức này do anh Võ Hiền, chủ một xe mì gõ đã giải nghệ, cung cấp. Anh Hiền đang là nhân viên Đài Truyền thanh xã Phổ Cường). Hai đứa con đang tuổi đi học của anh H. cực nhất là vào buổi đêm vì phải đi gõ “lóc cóc” mời khách trong các con hẻm vắng. Nhờ tích góp, anh H. đã mua được một căn nhà chung cư trong khu vực này.

Anh cho biết: “Đã có nhà, chỉ cần được xác nhận có công việc ổn định là tui nhập hộ khẩu TPHCM, cho mấy đứa nhỏ đi học dễ dàng hơn”. Do bán giá “bèo” nên miếng thịt của tô mì gõ thường mỏng dính và vị ngọt trong nước lèo là do bột ngọt. “Trong tô mì, phần thu hút khẩu vị của thực khách nhất chính là hành phi, hẹ, mỡ heo. Tiền nào của ấy mà anh”, một chủ xe mì khác nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi tô mì giá 2.000đ, người bán có thể lời gần một nửa nhưng họ không được hưởng trọn...

  • Cả làng bán mì

Con đường liên thôn Nga Mân-Bàn Thạch-Thanh Sơn-Xuân Thành ở “cái nôi mì gõ” (xã Phổ Cường) vắng vẻ và đìu hiu. Đây đó, chỉ có vài cụ bà chậm rãi dắt trâu ăn cỏ dưới chân núi Bé. Căn nhà lầu của anh Trần Văn Tùng tuy đẹp nhưng cửa sắt đóng im ỉm quanh năm bởi vợ chồng anh đã vào TPHCM bán mì. Khuất sau lũy tre làng, căn nhà lầu của vợ chồng anh Võ Cánh cũng khóa trái cửa.

Người Phổ Cường cho hay, vợ chồng Cánh đi bán mì gần 10 năm nay và khẳng định số dư trong tài khoản ngân hàng của họ không dưới 300 triệu đồng. Anh Võ Hiền kể: “Ngày đó, bán mỗi đêm tui lời cả trăm ngàn đồng nhưng còn phải chi tiền thuê nhà, tiền “cúng cô hồn” nên mỗi tháng chỉ dư vài triệu đồng. Sau đó tui kéo thêm người bà con vào và hiện hắn cũng có xe mì riêng rồi. Phần tui, dạo đó khổ quá nên bỏ việc nhà nước đi gõ mấy năm, nay trở về xã làm việc lại. Tui nghĩ nghề mì gõ này là công việc lương thiện, rất đáng trân trọng”.

Đem câu chuyện “cả làng bán mì” ra hỏi, ông Nguyễn Đức Kiệm, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Đức Phổ, xác nhận: “Mỗi năm, cả huyện có trên 3.000 lao động (chưa tính trẻ em) xuôi Nam theo thời vụ từ tháng 1 đến tháng 4. Huyện đã giải quyết 4 tỷ đồng cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, mỗi trường hợp vài triệu để mua bò chăn nuôi hay làm nghề thủ công nhưng cũng có trường hợp quy đổi từ bò ra... xe mì gõ. Phổ Cường là xã có lao động xuôi Nam nhiều nhất Quảng Ngãi”.

Chúng tôi vòng trở lại xã Phổ Cường, gặp ông Võ Liêm, phụ trách LĐTBXH của địa phương, ông Liêm rầu rầu: “10 năm nay, năm nào Phổ Cường cũng có khoảng 300 trẻ em (chưa tính người trong tuổi lao động) vào Nam, chủ yếu để “gõ mì”. Tỷ lệ nghèo của xã là 24,8%, đồng ruộng chỉ canh tác 6 tháng mỗi năm nên còn cơ cực lắm”.

  • Gõ mì thành tỷ phú
Theo dấu mì gõ ảnh 2

Tỷ phú mì gõ Võ Dương

Tôi được nghe người Phổ Cường kể về gia cảnh của anh Lê Tấn Huy. Những ngày đầu xuôi Nam “chỉ đủ tiền vé xe, không đủ tiền ăn đường”, vậy mà sau nhiều năm bán mì, đã tậu chiếc xe du lịch 24 chỗ, chuyên phục vụ tuyến Đức Phổ-Bến xe Miền Đông. Mỗi tuần, xe anh Huy ghé Phổ Cường 1 lần, trước thăm nhà, sau đưa các đàn em nối gót.

Còn anh Lê Đảm, dân Phổ Cường, lại khác. Từ giã xe mì, anh mua luôn một căn nhà mặt tiền ở Xa lộ Hà Nội, TPHCM, đưa cả gia đình vào sinh sống. Điều tôi ấn tượng nhất là đám cưới con gái ông Lâm Hương (thôn Nga Mân) vào chiều 25-4-2006. Ông Hương trước đây bán mì trong TPHCM, nay giải nghệ và truyền nghề lại cho con trai là Lâm Trí, đang sở hữu vài xe mì.

Đám cưới đãi hàng chục mâm, hầu như bà con xã Phổ Cường ai cũng đến góp vui. Chủ dịch vụ cưới hỏi từ A-Z hôm đó cũng là một “tỷ phú mì gõ”, anh Võ Tấn Dương: chủ cửa hiệu Dương Gái lớn nhất Phổ Cường, chủ một mảnh đất mặt tiền QL 1A .

Rót cho tôi ly bia ướp lạnh tràn đầy, Dương kể trong xúc động: “Hai vợ chồng tôi mua 1 xe mì trả góp, chồng đẩy, vợ bưng. Thằng con nhỏ thì bỏ trong giỏ bội treo cạnh xe. Có nhiều khi thấy khách mua mà không ăn, tôi hỏi thì họ trả lời là “no”. Tôi biết người Sài Gòn tốt bụng, mua ủng hộ vì thương cảnh vợ chồng tôi nheo nhóc. Hồi ấy, hai vợ chồng cưới nhau mà chồng thì ngủ ngoài đường, vợ ngủ trong nhà thuê với con (vì không có giấy tờ), tủi nhục lắm. Đúng là người Sài Gòn tốt bụng thật, thấy tui khổ quá, người chủ nhà còn cho thiếu tiền thuê. Sau này khá giả tôi có quay lại tìm ân nhân nhưng họ dọn đi rồi.

Hiện nay, mẹ ruột của tôi vẫn còn bán mì gõ trong đó, thuê nhà ở Gò Vấp. Anh vào trỏng, ghé địa chỉ... ngay ngã tư Nguyễn Thái Sơn-Phan Văn Trị, nói giùm là tôi mong mẹ về. Tôi năn nỉ hoài mà mẹ không chịu nghe, bảo còn sức là còn kiếm tiền”.

Sau 10 năm “gõ mì” ở Sài Gòn, vợ chồng Võ Dương-Trần Thị Gái “vinh quy bái tổ” về Phổ Cường mở một cửa hàng “oách” nhất xã, nơi nay tôi ngồi uống bia với anh. Anh Dương nói đúng. Người Sài Gòn tốt bụng, đất Sài Gòn luôn cưu mang những người xa xứ làm ăn lương thiện. Tuy nhiên, tôi cũng có cùng suy nghĩ như anh: Khi nào KCN Phổ Thạnh, KCN Sa Huỳnh hoàn tất, thế hệ con cháu anh Dương sẽ không phải ly hương nữa. Miền đất hứa, khi ấy, chính là quê hương!

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục