1. Hội trường Thống Nhất, nơi lưu dấu những câu chuyện lịch sử và ký ức năm nào, 46 năm trôi qua, nhưng với nhiều bạn trẻ, nơi này vẫn còn mới. Phan Thanh Thủy (20 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) đi cùng nhóm 3 người bạn và đăng ký thuyết minh viên riêng, cho biết: “Nhiều lúc cả nhóm hay nói với nhau, ở thành phố mà chưa tham quan Hội trường Thống Nhất lần nào, thiệt là thiếu sót, nên dịp này cả nhóm tranh thủ đến đây”.
Cùng đi với Thủy, Nguyễn Thành Huân (19 tuổi, cũng ngụ quận 7) chia sẻ: “Tụi em đăng ký thuyết minh viên để có thể nghe và tìm hiểu về lịch sử cụ thể. Đọc tài liệu thì không có thời gian để quan sát, vì vậy chọn thuyết minh viên để được nghe về lịch sử rất hay và cuốn hút”.
Tại khu vực Lầu tĩnh tâm, là tầng cao nhất của Hội trường Thống Nhất, nơi mà vào lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, tại cột cờ trước lầu, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay, chúng tôi bắt gặp hai mẹ con chị Ngô Thị Hoàng Yến (35 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 3, TPHCM) đang chụp hình. Chị Yến cho biết, đây là lần thứ 4 chị tham quan dinh.
Chị nói: “Cứ mỗi lần có người thân ở quê vào chơi là tôi lại giới thiệu đến đây tham quan, ở TPHCM mà không đến nơi này tham quan một lần thì mất hay, còn người ở xa tới cũng nên ghé qua nơi đây để hiểu thêm về lịch sử của thành phố. Thằng bé nhà tôi năm nay mới học lớp 4 thôi, nhưng lần nào đi tham quan, tôi cũng dắt con theo, đây là cách để cháu thích thú với môn lịch sử ở trường hơn”.
2. Rời Hội trường Thống Nhất, chúng tôi tìm đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (28 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TPHCM) - một địa điểm được nhiều du khách quan tâm khi đến thành phố.
Dừng lại khá lâu để đọc tài liệu và quan sát hiện vật, tranh ảnh tại phòng trưng bày về chất độc da cam, anh Nguyễn An Hải (33 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) cho biết: “Dù làm công việc không liên quan, nhưng những ngày lễ 30-4 hay 2-9, tôi thường đến đây để tìm hiểu về lịch sử. Có đọc kỹ các tài liệu và những hiện vật về chiến tranh, mới thấy hậu quả thật nặng nề và tôi thấy may mắn là mình được sinh ra và lớn lên ở thời bình”.
Khác với những cặp đôi thường chọn trung tâm mua sắm hay những điểm vui chơi khác vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, hai bạn trẻ Thanh Tân (22 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) và Hồng Đào (20 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chọn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh làm điểm đến.
Sau khi xem phim tài liệu ngay phía dưới tầng trệt của bảo tàng, Hồng Đào hớn hở: “Lần này, bảo tàng trưng bày chuyên đề mới nên chiếu phim mới, mấy phim thuộc các chuyên đề trước đó em đã coi hết rồi, vì em ghé bảo tàng này hoài”.
Khi tôi bày tỏ ngạc nhiên vì một bạn trẻ mà thích đến bảo tàng nhiều như vậy, Thanh Tân tiếp lời: “Tụi em hay đi bảo tàng ở thành phố, nhất là bảo tàng này, vì không gian rất thoải mái và yên tĩnh. Thường sau khi tham quan xong thì hai đứa em ngồi cà phê trong khuôn viên bảo tàng luôn. Hồng Đào học sử nên tới đây sẵn tiện có thêm tư liệu, còn em học cơ khí, nhưng thích tìm hiểu lịch sử. Em có nhóm bạn, tụi em hay trao đổi kiến thức lịch sử trong một group trên mạng”.
Một mình tham quan và tìm hiểu tại bảo tàng, không chỉ đọc và quan sát, Vũ Thị Minh Thư (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) còn cẩn thận chụp lại các tài liệu.
Minh Thư chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng không thích môn lịch sử và công việc hiện tại của tôi là làm về thời trang, nhưng khoảng 2 năm gần đây, tôi hay đi bảo tàng để đọc các tư liệu về lịch sử. Đọc qua các tài liệu và hiện vật trưng bày, cảm thấy mọi thứ rất cuốn hút mình. Trước, tôi hay có thói quen đọc những bài viết trên mạng xã hội. Bây giờ, có thời gian nghiên cứu vấn đề mình quan tâm, tự nhiên thấy trước đây mình cả tin quá, nhiều bài viết trên mạng chia sẻ về lịch sử không chân thật, thậm chí là bóp méo lịch sử. Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để thường xuyên đến các bảo tàng, tìm cho mình những câu chuyện sống động, ý nghĩa”.
Người trẻ quan tâm và tìm hiểu về di tích lịch sử, thích thú với bảo tàng là một tín hiệu đáng mừng. Trước khi yêu thích một thứ gì đó, nhiều bạn trẻ luôn cần có thời gian khơi gợi và đến những di tích lịch sử là cách để nhiều bạn trẻ học yêu thích và quan tâm đến lịch sử.