Ấm lòng
Tháng 4, TPHCM luôn là cao điểm nắng nóng. Thùng trà đá trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai có bóng che mát xiên xiên từ căn nhà phía trong, trên thùng dán chữ “Miễn phí”. Một chị bán vé số xáp vô, gỡ khẩu trang bịt mặt, bấm vòi rồi uống “khà”, vẻ rất đã. Thấy người lạ dòm thân thiện, chị nói tự nhiên: “Có bình trà đá miễn phí này đỡ lắm. Bán vé số lời có 1.000 đồng/tờ hà, đâu có dư mà mua nước suối uống. Trời đổ lửa, uống vô giống như được chữa cháy vậy đó”. Hỏi chị tên chi, chị cười lỏn lẻn: “Thôi, không khai, tên xấu hoắc à”. Nhưng rồi bán được vài tờ vé số cho người lạ hỏi chuyện, chị cười vui vẻ: “Bữa sau gặp mua giùm tui nữa he. Tui tên là Tư Gà”.
Có rất nhiều thùng trà đá miễn phí như vậy trên khắp nẻo đường thành phố. Quận trung tâm dễ thấy, mà ở chỗ xa hơn cũng vậy. Ai đó khi đặt thùng, đã chọn chỗ có nhiều người nghèo qua lại. Vất vả mưu sinh, đồng tiền khó kiếm, bớt được khoản chi nào cũng đáng nhẹ lòng. Mà người đặt thùng thường chỉ xuất hiện chút xíu lúc nắng đã cao, hoặc ra châm thêm đá thêm trà.
Cơm miễn phí ở bệnh viện cũng là câu chuyện ấm áp nối dài qua năm tháng. Trước khi kể điều này, người kể được biết rằng không phải nhà hảo tâm nào phát cơm từ thiện ở bệnh viện cũng thường xuyên dư dả. Họ lẳng lặng làm, nếu hụt tiền thì nhẹ giọng rủ nhau. Người này được ăn cơm đầy đặn, nghĩa là có người khác phải thêm gánh toan lo. Nhưng chừng nào mà từng hộp cơm vẫn được phát, sẽ không lời than phiền nào được thốt. Đi qua nắng, đi qua mưa, mỗi khúc vỉa hè đều rưng rưng xúc động. Bánh mì, cơm, bún gạo chay, mỗi chiếc hộp nhỏ chứa trong mình mênh mang nghĩa tình.
“Chút xíu à, đáng gì đâu”
Sáu năm trước, trên lề đường Tô Hiến Thành, quận 10, có một chiếc thùng đơn giản. Trên thùng dán dòng chữ “Nếu gặp khó khăn, hãy lấy 3 tờ”. Ba tờ 5 ngàn đồng, đủ đỡ lòng cho một bữa để qua ngày. Thời gian vụt vèo, thỉnh thoảng lại có trang mạng đăng lại thông tin ấy khiến có người nghèo hiểu lầm rằng thùng tiền vẫn ở đó. Họ trở lại tìm, và có chút luyến tiếc khi biết đó chỉ là ký ức về một ngày đã cũ. Nhưng điều đã lan tỏa ấy thì không bao giờ cũ. Không phải 5 ngàn đồng, sẽ có những tờ tiền lẻ khác. Không phải chỗ này, sẽ có ở nhiều chỗ khác. Lòng san sẻ không có bến bờ, nên vẫn loang xa.
Xã hội luôn là một cộng đồng phức tạp, có người này và cũng có người kia. Ở những chỗ phát cơm từ thiện, đôi khi vẫn có người đeo vàng đỏ tay, sơn móng, không có vẻ gì là kham khổ chen vô lấy. Người phát cơm có khi cũng tỏ ra không hài lòng, nhưng không gắt gỏng. Coi như là đến bữa phải ăn, ai nhận mà không vừa tay tự biết. Nhưng chuyện như vậy chỉ thoáng qua. Đáng nhớ mà nhớ sâu hơn nhiều là hình ảnh chị ve chai ở một quán cơm từ thiện mang tên Thiên Phước. Chị lượm những thứ người ta bỏ đi, nhặt nhạnh từng đồng kiếm sống, và đã có những ngày khốn khó được đỡ lòng khi đói ở quán cơm này. Rồi bữa kia, chị trở lại quán, mang theo bao gạo và chai dầu ăn. Chị góp phần mình để những người nghèo khó khác được yên bụng. Hẳn là ai biết chuyện này cũng khẽ cay khóe mắt.
Bơm, sửa xe miễn phí cho học sinh và người khuyết tật. Sửa xe miễn phí cho công nhân về quê đón tết. Lì xì ngày cuối năm cho công nhân vệ sinh. Sạp quần áo 0 đồng cho người không sẵn tiền trong túi. Quán cơm 2.000 đồng không hề tăng giá qua bao năm. Nhà thờ ngoài mặt đường hay chùa trong hẻm cũng góp phần mình từ đóng góp của bá tánh… Có thật nhiều câu chuyện thân thương như vậy ở một thành phố tưởng chừng như chỉ nhiều ánh đèn lấp loáng, giá cả mắc, mức sống cao, hay có nhiều triệu phú. Cuộc đời muôn dạng vẻ. Khi khó nghèo, họ nhẫn nại vượt qua. Khi đã tạm đi qua khúc đường khốn khó, có dư chút đỉnh hoặc dư nhiều, họ đều sẵn lòng san sẻ. Có ai hỏi, người vừa cho đi sẽ thiệt thà mắc cỡ: “Thôi mà, dư chút xíu thì cho lại, có đáng gì đâu”. Đáp đền tiếp nối, phúc phần chuyển lưu, dòng chảy ấy bền bỉ mà lặng thầm. Tình người ở thành phố này lạ lắm.
Không chỉ cá nhân, những chia sẻ ở Sài Gòn - TPHCM còn có sức lay động lớn từ những tổ chức, đoàn thể xã hội. Câu chuyện về những hy sinh lặng thầm mà cao cả hồi dịch Covid-19 là điều không thể nào quên. Cuộc sống những ngày này bị xáo trộn, bao nhiêu sinh kế bị đứt gãy tạm thời. Mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… cùng xắn tay, cùng quân đội và hệ thống y tế lăn xả cho sự bình an của chục triệu người.
Có sống trong lòng thành phố những ngày ấy mới thấm thía một từ: “lăn xả”. Có những người không quản hiểm nguy, mới không ai bị bỏ lại đằng sau. Rồi không chỉ là chuyện khoanh vùng cứu chữa, những hội đoàn ấy đã chắt chiu từng chuyến hàng cho bao nhiêu khu phố, bao nhiêu hộ neo đơn. Cả một thành phố mười mấy triệu dân bị phong tỏa chống dịch, nhưng không rối loạn. Tai họa làm con người mạnh mẽ hơn. Mất mát làm con người can đảm hơn. Dìu nhau để cùng vượt thoát.
Rồi bão lụt nữa. Cứ ở đâu trên đất nước này bị thiên tai tàn phá, thì có những hội đoàn xăng xái lo toan. Nghĩa đồng bào, tình đồng loại ăn vào máu thịt. Có bất trắc gì, chỉ cần lời kêu gọi, cộng đồng sẽ xắn tay giúp sức vượt qua. Chẳng có ranh giới nào trong tình người lan tỏa.
Lên núi thấy bao nhiêu xa xăm thoắt hóa nhỏ nhoi. Đang lúc ngặt mà được chìa tay, có cảm giác ấm áp mênh mang. Núi cao kiểu núi, TPHCM thênh thang kiểu của chính mình.