Theo tờ Jerusalem Post, các thỏa thuận này chủ yếu bao gồm 2 khía cạnh: một là vấn đề an ninh, Palestine chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố ở khu vực với Mỹ; hai là thỏa thuận về việc cùng sử dụng tài nguyên nước giữa Palestine và Israel, bởi cả hai nước đều phải đối diện với vấn đề thiếu nước. Diễn biến mới này khiến khu vực Trung Đông lại xuất hiện thêm một yếu tố bất ổn.
Ngày 20-4 vừa qua, 2 chính đảng lớn của Israel là đảng Likud và đảng Xanh - Trắng đã ký thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, trong đó có điều khoản thúc đẩy kế hoạch sáp nhập một phần khu vực Bờ Tây sông Jordan kể từ ngày 1-7. Lãnh đạo đảng Likud, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau đó cho biết, Israel sẽ thực thi chủ quyền đối với các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây và thung lũng sông Jordan trong những tháng tới. Điều này cho thấy, Chính phủ Israel sẽ chính thức đưa kế hoạch sáp nhập vào chương trình nghị sự.
Học giả của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) Zaha Hassan nói: “Về bản chất, thời điểm này quả thực khác với bất kỳ thời điểm nào trước đây, bởi dường như Israel đang thực sự chuẩn bị sáp nhập một phần Bờ Tây sông Jordan. Hiện nay, không những không ai có thể ngăn cản kế hoạch của Israel mà Mỹ còn là đối tác hợp tác của kế hoạch này”.
Hầu hết các thành viên của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là châu Âu và thế giới Arab, đều kịch liệt phản đối kế hoạch của Israel. Nội bộ Chính phủ Mỹ cũng có sự bất đồng bởi nhiều lý do. Thứ nhất, hành động của Israel có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Bờ Tây. Hiện tại, các nước như Jordan, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã đưa ra những tín hiệu phản đối mạnh mẽ. Quốc vương Abdullah II của Jordan gần đây cảnh báo rằng nếu Israel hành động có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn giữa Jordan và Israel. Thứ hai, có nguồn tin cho biết trong các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lãnh đạo đảng Xanh - Trắng Benny Gantz và tân Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi vẫn giữ nguyên lập trường phản đối hành động sáp nhập đơn phương, cho rằng điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa Israel với các nước láng giềng.
Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây sông Jordan cũng là một vấn đề lớn đối với Israel, điều này sẽ thay đổi nghiêm trọng nguyên trạng vấn đề Palestine. Israel không những sẽ phải đối mặt với sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, ngày càng bị cô lập trong khu vực mà liệu hành động này của Israel có hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng của Mỹ hay không, đó cũng là một vấn đề.
Nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế cho rằng, biện pháp của Mỹ và Israel sẽ làm hằn sâu thêm nữa mối hận thù dân tộc giữa Palestine và Israel, hai nước chắc chắn sẽ lại xảy ra xung đột. Dù tình hình dịch bệnh hiện nay có tác dụng kìm hãm phần nào cuộc xung đột giữa Palestine và Israel, nhưng môi trường xã hội ở khu vực Trung Đông vốn rất mong manh, các sự kiện nóng xảy ra thường xuyên, các thế lực có thể lợi dụng điều này để tạo ra các sự cố, làm cho tình hình khu vực xấu đi.