- PHÓNG VIÊN: - 2020 là năm thứ 5 AEC được hình thành, song theo khảo sát đến nay nhiều DN vẫn còn mơ hồ về AEC. Theo bà vì sao lại như vậy?
- Bà NGUYỄN THỊ THU TRANG: - AEC được tuyên bố thành lập vào tháng 12-2015, nhưng đến nay không có thiết chế hay cam kết mới nào của AEC được hình thành. Tất cả đều dựa trên các thỏa thuận nền tảng mà 10 nước thành viên ASEAN đã cùng nhau tạo lập trong gần nửa thập niên trước đó.
Vì vậy, có thể các DN có hiểu biết về các hiệp định thương mại và đầu tư của ASEAN như ATIGA, AFAS mà không biết về Tuyên bố thành lập AEC hay các mục tiêu tương lai của cộng đồng này.
Tình trạng này khá phổ biến và xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân không đáng ngại, ví như DN không làm ăn, cũng không cạnh tranh với hàng hóa từ ASEAN thì không quan tâm cũng là lẽ thường. Nhưng những DN chỉ lo làm, không quan tâm nhiều tới những chính sách, cam kết có thể mang lại lợi ích hoặc thách thức trong cạnh tranh của chính mình, sẽ để vuột cơ hội.
Thí dụ thông tin về các cam kết trong ASEAN nghe nói là có nhưng không biết nêu ở đâu, nghe nói là ký nhưng không biết có hiệu lực chưa. Hoặc như DN đã biết thông tin nhưng lại không có kế hoạch hay hành động nào cụ thể. Cơ hội chỉ đến khi DN tận dụng để biến nó thành hiện thực.
- So với các FTA Việt Nam đã ký, AEC có cam kết cắt giảm thuế quan nhanh và cao nhất, nhưng theo khảo sát của VCCI khả năng tận dụng ưu đãi của DN Việt Nam chỉ khoảng 30%. Phải chăng do hàng rào phi thuế quan của các nước trong AEC khó vượt qua?
- Nói chính xác hơn phải là Hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA trong AEC. Cho tới năm 2020 này, với chiếc chìa khóa ATIGA, cánh cửa cho thương mại nội khối ASEAN đã gần như mở hoàn toàn, với 98-100% dòng thuế về 0%. Xét trong trung bình mức mở cửa của ATIGA mạnh nhất trong số các FTA Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, đáng tiếc là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo ATIGA hiện còn dưới mức trung bình của các FTA. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2018 tỷ lệ tận dụng ATIGA là 34%, trong khi tỷ lệ tận dụng trung bình các FTA là 39%.
Việc DN chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan trong ASEAN có thể xuất phát từ một số lý do. Có thể DN chưa biết về các cam kết ATIGA để tận dụng, hoặc có thể đã biết nhưng không đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi. Cũng có thể là DN gặp vướng mắc về thủ tục hoặc sai sót, sơ suất trong quá trình làm các giấy tờ cần thiết ngay từ khi nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Thậm chí có thể có nguyên nhân từ việc DN không có thông tin để xin chứng nhận xuất xứ.
- Trong khi DN Việt Nam chưa thể vươn mình mạnh mẽ tại ASEAN, ở chiều ngược lại các nước trong khu vực đang tận dụng tốt thị trường Việt. Vậy cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp nào bảo vệ thị trường nội địa, thưa bà?
- Cũng tương tự như trong bất kỳ thỏa thuận mở cửa thương mại nào, trong các FTA của ASEAN, bạn mở cửa cho ta thì ta cũng phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của bạn. Sau khi Việt Nam mở cửa theo các cam kết ASEAN, hàng hóa từ các nước ASEAN bắt đầu trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, thậm chí trong một số trường hợp còn lấn lướt hàng nội địa.
Mặc dù điều này đã được dự báo từ các cam kết xóa bỏ thuế quan nhưng vẫn là một thực tế đáng tiếc, vì DN của chúng ta có nhiều lợi thế so với hàng nhập khẩu, dù thuế quan đã được xóa bỏ. Để khắc phục tình trạng này, điều quan trọng là các DN nhận diện đầy đủ về cạnh tranh trên sân nhà và có kế hoạch, hành động cụ thể về sản xuất, chất lượng, thương hiệu, kênh phân phối… để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.
Tất nhiên cơ quan nhà nước có thể sử dụng các công cụ để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của hàng Việt. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nhà nước trong những trường hợp này không phải để bảo hộ, mà là để bảo vệ hàng trong nước khỏi những hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, hoặc trước tình trạng nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại nghiêm trọng nếu có.
Và những can thiệp như vậy trước hết phải xuất phát từ các yêu cầu của chính ngành sản xuất trong nước, khi họ có đủ bằng chứng chứng minh về các hành vi liên quan từ hàng nhập khẩu.
- Năm 2020, Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, theo bà đây có phải là cơ hội tốt để DN Việt Nam đẩy mạnh tận dụng thị trường nội khối?
- Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có cơ hội để đề xướng và xây dựng một nghị trình thảo luận ưu tiên cho các chủ đề tự do hóa thương mại-đầu tư trong ASEAN, giải quyết các vướng mắc đang cản trở dòng chảy thương mại đầu tư trong ASEAN mà Việt Nam quan tâm.
Trong cơ bản, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được đầy đủ các cơ hội ở các thị trường đối tác FTA của ASEAN. |
Bên cạnh đó, Chính phủ còn có thể đồng hành cùng DN thông qua việc minh bạch hóa thông tin, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường ASEAN, cũng như thay mặt DN để lên tiếng trong các trường hợp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với các rào cản bất hợp lý ở thị trường các nước ASEAN.
- Xin cảm ơn bà.