Ngày 23-1, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam - thuộc Bộ NN-PTNT) thông tin, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Nguyên nhân do trong 6 tháng cuối năm 2023, Việt Nam có 3 lô hàng sầu riêng vi phạm quy định về chỉ tiêu dư lượng của EU. Theo ông Ngô Xuân Nam, với tần suất kiểm tra 10%, cứ 1 container có 100 thùng hàng, EU sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên 10 thùng để kiểm tra các mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngay tại cửa khẩu.
Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, cộng thêm sầu riêng, đến nay Việt Nam đang có 5 mặt hàng bị EU theo dõi, kiểm tra với tần suất cao. Để các mặt hàng này dần được đưa ra khỏi danh sách kiểm soát, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các cơ sở sản xuất cần tuân thủ đúng quy định của EU về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật (không sử dụng các hoạt chất mà EU cấm) trong quá trình canh tác.
Theo ông Ngô Xuân Nam, việc sầu riêng Việt Nam bị tăng tần suất theo dõi khi xuất sang EU là thông tin không vui đầu năm 2024 khi năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam ra thế giới lên gần 5,6 tỷ USD (vượt lúa gạo). Tuy nhiên, nếu chúng ta kiểm soát tốt, EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra này.
“Theo quy định của EU, cứ 6 tháng 1 lần, Nghị viện châu Âu sẽ họp với các bên liên quan để tăng hoặc giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của các nước thứ 3 khi nhập khẩu vào thị trường này”, ông Nam cho biết.
Theo thống kê, 5 mặt hàng của Việt Nam xuất sang EU đang bị kiểm tra với tần suất cao gồm: đậu bắp (tần suất kiểm tra 50% ngay tại biên giới), mì ăn liền (tần suất 20% ngay cửa khẩu), ớt chuông (tần suất 50%), thanh long (tần suất kiểm tra 20% ngay tại biên giới) và sầu riêng (tần suất kiểm tra 10% ngay tại cửa khẩu).
Như vậy, ngoài sầu riêng mới bổ sung danh sách bị kiểm tra thì năm 2024, 4 mặt hàng là thanh long, đậu bắp, ớt chuông và mì ăn liền vẫn bị EU giữ nguyên tần suất kiểm tra như giai đoạn trước.