Thêm sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn, thu hút khách

Lễ hội sông nước TPHCM lần 2 năm 2024 vừa chính thức khép lại. Trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh tầm nhìn của ngành du lịch TPHCM là phát triển theo chiều sâu, bền vững.

- PHÓNG VIÊN: Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội sông nước TPHCM lần 2 được dư luận đánh giá “mãn nhãn”, “mãn thính”... Tuy vậy, vẫn có một số ý kiến cho rằng lễ hội chưa thực sự hút du khách như kỳ vọng. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

* Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA: Thông thường, một sản phẩm mới ra mắt sẽ mất 2-5 năm định vị thương hiệu, đồng thời phải quảng bá liên tục khách mới nhớ đến, trong khi đó lễ hội này chỉ mới ra mắt lần đầu vào tháng 8-2023, chưa đầy 1 năm tuổi. Do vậy vẫn cần thời gian để tiếp tục lắng nghe và hoàn thiện. Tuy nhiên, qua những gì đạt được, chúng tôi nhìn nhận rằng tiềm năng đưa khách đến TPHCM, nhất là khách quốc tế sẽ rất lớn.

Lịch sử hình thành của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM hơn 300 năm qua là kho tàng vô giá gắn liền với dấu ấn của những dòng sông. Chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” của đêm khai mạc là những lát cắt được chọn từ kho tàng lịch sử quý báu này và được thổi hồn qua ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, làm hài lòng người xem. Nhiều đoàn khách du lịch từ các tỉnh thành cũng như khách quốc tế trực tiếp xem khai mạc đã đánh giá tích cực về chương trình. Đây là động lực rất lớn để những người làm du lịch chúng tôi tiếp tục trau chuốt sản phẩm, điều chỉnh chương trình lễ hội vừa tôn vinh những giá trị bản sắc, vừa phù hợp thị hiếu du khách. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển chương trình thành show định kỳ hàng tuần.

J1b.jpg
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa

- Một chương trình khác mà TPHCM khá kỳ vọng, đó là “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Theo bà, cần đầu tư thêm những gì để tạo sức bật cho du lịch?

* Sở Du lịch TPHCM đã tổng hợp, thống kê tài nguyên du lịch trên địa bàn và phối hợp cùng các quận, huyện khảo sát, xây dựng sản phẩm đặc trưng. Ước tính, các quận, huyện và TP Thủ Đức có trên 40 sản phẩm du lịch đặc trưng đã được ra mắt thời gian qua.

Hiện Sở Du lịch TPHCM đã kết nối các sản phẩm này thành chuỗi sản phẩm đặc trưng của thành phố và biên tập thành cẩm nang giới thiệu, bao gồm: nhóm sản phẩm văn hóa - lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch cộng đồng, du lịch y tế, khám phá ẩm thực, sản phẩm về đêm… Để sản phẩm thực sự hấp dẫn, rất cần sự chung tay phối hợp của các địa phương trong việc chủ động hoàn thiện và nâng chất lượng sản phẩm cũng như điểm đến, đẩy mạnh truyền thông sản phẩm, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã và đang cùng chung tay quảng bá, giới thiệu để những sản phẩm này lan tỏa tới người dân, du khách. Tuy vậy cần xác định rõ hơn vai trò của doanh nghiệp trong hệ sinh thái này, không chỉ đồng hành tạo ra sản phẩm mà phải đẩy mạnh liên kết, cùng nuôi dưỡng, khai thác sản phẩm bền vững. Sự quan tâm của người dân, du khách chính là thước đo đánh giá hiệu quả của sản phẩm.

- Theo đánh giá của bà, ngành du lịch TPHCM đã đạt được những kết quả nổi bật nào sau khi ra mắt các sản phẩm du lịch “đinh” vừa qua?

* Nhắc đến các sản phẩm du lịch nổi bật trên địa bàn TPHCM không thể bỏ qua các tour về nguồn được đẩy mạnh triển khai hướng đến chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, như: Trăng chiến khu tại Khu di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi; tour TPHCM - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bằng tàu cao tốc… Một số tour điểm nhấn khác như du lịch cộng đồng Thiềng Liềng tại huyện Cần Giờ; sản phẩm “Saigon River Sightseeing” với tàu 2 tầng phục vụ khách thưởng ngoạn thành phố về đêm trên sông Sài Gòn. Tới đây, ngành du lịch TPHCM tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ 3D nhằm hấp dẫn du khách với bản đồ tương tác thông minh 3D/360; kết nối TPHCM và 62 tỉnh, thành với 5 ngôn ngữ…

J2a.jpg
Du khách tập xếp lá dừa tại một gian hàng trên Bến Bạch Đằng, trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TPHCM lần 2 Ảnh: HOÀNG HÙNG

- Ngành du lịch TPHCM sẽ tập trung cho các sản phẩm nào để đưa khách đến thành phố nhiều hơn, thưa bà?

* Ngành du lịch TPHCM đã xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm gắn với chiến lược xúc tiến quảng bá sản phẩm. Chúng tôi cũng có những nghiên cứu chuyên sâu về thị hiếu khách du lịch gắn với từng nhóm sản phẩm để đầu tư, chăm chút cho phù hợp với từng phân khúc khách cụ thể, để khách nội địa và khách quốc tế từ những thị trường trọng điểm và tiềm năng đều có thể tiếp cận thông tin và chọn TPHCM là điểm vui chơi, nghỉ dưỡng, hội họp, tham quan, mua sắm, trải nghiệm ẩm thực, khám phá văn hóa, lối sống đặc trưng...

Vào đầu tháng 9 này, TPHCM sẽ tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM - ITE HCMC 2024 với hơn 250 khách hàng quốc tế đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng tôi sẽ giới thiệu, kết nối và quảng bá đưa các sản phẩm này phát huy hiệu quả cùng các sản phẩm của các tỉnh thành trong cả nước và sản phẩm của các nước hạ nguồn sông Mê Công.

5 tháng đầu năm 2024, TPHCM đón trên 2,2 triệu lượt khách quốc tế, gần 14 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch trên 76.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ.

- Đâu là những thị trường quốc tế chính mà ngành du lịch TPHCM tập trung quảng bá?

* Nhiệm vụ trọng tâm của du lịch TPHCM trong xúc tiến nước ngoài hiện nay là quảng bá chính sách visa mới kết hợp với quảng bá điểm đến, quảng bá sản phẩm theo chuyên đề (ẩm thực, MICE, văn hóa - lịch sử…) để đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường trọng điểm như Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Tây Âu (Đức, Anh, Pháp…), Australia và Đông Nam Á. Hình thức quảng bá cũng đa dạng, từ truyền thông trực tuyến đến tổ chức sự kiện trực tiếp và tham gia các hội chợ quốc tế uy tín. Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 6, ngành du lịch đã tổ chức các chương trình xúc tiến tại Đức, Australia, Nhật Bản; tháng 10 dự kiến tổ chức xúc tiến du lịch tại Mỹ và các nước ASEAN; tháng 11 tham dự Hội chợ du lịch thường niên WTM diễn ra tại London (Anh).

Bên cạnh đó, sở cũng hợp tác với các hãng hàng không trong nước và quốc tế mời các doanh nghiệp du lịch lữ hành, du lịch MICE, các đoàn báo chí, người có ảnh hưởng (KOL) tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng cùng tham gia các chương trình khảo sát điểm đến tại TPHCM và các địa phương. Đồng thời, các thông tin du lịch, điểm đến hấp dẫn của TPHCM sẽ tiếp tục “phủ sóng” trên các kênh của CNN, Discovery, BBC News, PR Newswire, VNPR, Tạp chí Heritage…

Tin cùng chuyên mục