Trường Kinh tế Kyiv (KSE) của Ukraine ước tính, doanh thu từ dầu mỏ của Nga có thể sẽ cao hơn ít nhất 15 tỷ USD so với dự kiến trong năm 2023, do giá dầu thô liên tục tăng và việc giảm chiết khấu đối với dầu của nước này.
Theo Financial Times, phần lớn dầu của Nga hiện được chuyển sang Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước như Brazil, Sri Lanka, Pakistan, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Trong các thị trường xuất khẩu dầu, UAE đang trở thành điểm trung chuyển và giao dịch chủ chốt cho các sản phẩm năng lượng Nga. Theo giới quan sát, việc vùng Vịnh mua dầu Nga là một bằng chứng về những hệ quả bất ngờ của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, cũng như ảnh hưởng suy giảm của Mỹ ở Trung Đông. Nhiều nhà giao dịch đã kiếm đậm nhờ bán dầu Nga từ UAE sang những nước như Pakistan, Sri Lanka, và các nước Đông Phi. UAE giữ lập trường trung lập về cuộc xung đột Nga-Ukraine dù nước này có mối quan hệ đối tác an ninh lâu năm với Mỹ. Dubai và các quốc gia vùng Vịnh khác cũng trở thành điểm đến được nhiều công ty và tỷ phú Nga lựa chọn.
Mới đây, Nga tuyên bố cắt giảm xuất khẩu dầu diesel và gas bằng đường biển gần 30%, xuống còn khoảng 1,7 triệu tấn trong 20 ngày đầu tháng 9 so với cùng kỳ tháng 8. Ngoài ra, Nga cũng có kế hoạch gia hạn cắt giảm khối lượng dầu xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm. Về mặt chiến lược, việc Nga - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 trên thế giới sau Saudi Arabia, quyết định cắt giảm xuất khẩu dầu thô được coi là một phản ứng đối với các quyết định của Mỹ và Liên minh châu Âu. Động thái này sẽ tiếp tục thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu, cũng cho thấy thế mạnh và vai trò cường quốc năng lượng trên thị trường dầu mỏ thế giới của nước này.