Thêm nhiều người bị hại của đường dây lừa đảo qua điện thoại

Liên quan đến đối tượng Xue Wen (35 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) trong đường dây giả danh công an để lừa đảo vừa bị bắt giữ, ngày 9-12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM cho biết từ tài liệu thu thập được cho thấy có thêm nhiều người bị hại của đường dây này.
Thêm nhiều người bị hại của đường dây lừa đảo qua điện thoại

(SGGPO).- Liên quan đến đối tượng Xue Wen (35 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) trong đường dây giả danh công an để lừa đảo vừa bị bắt giữ, ngày 9-12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM cho biết từ tài liệu thu thập được cho thấy có thêm nhiều người bị hại của đường dây này.

Xue Wen bị di lý vào TPHCM để điều tra. Ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 23 giờ 40 ngày 8-12.

Tối 8-12, Xue Wen đã bị Đội 8, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TPHCM di lý từ TP Hà Nội vào TPHCM để điều tra. 5 đồng phạm của Xue Wen là Liu Wei Chun (34 tuổi, người Đài Loan), Dương Thị Nguyệt (33 tuổi, vợ Chun), Nguyễn Văn Mộng (36 tuổi), Lê Nguyễn Kiều Xuân (30 tuổi), Huỳnh Hoàng Minh (34 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bạc Liêu) cũng đã bị bắt giam, khởi tố.

Đây là những đối tượng trong đường dây lừa đảo qua điện thoại. Đồng bọn của Xue Wen gọi đến số điện thoại cố định, giả danh công an và dọa nhiều người bị hại rằng họ bị tình nghi liên quan đường dây tội phạm, sau đó yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để kiểm tra có liên quan tội phạm hay không rồi rút ra chiếm đoạt. Sau khi người bị hại chuyển tiền, Xue Wen đến các trụ ATM tại TP Hà Nội để rút tiền.

Ngày 3-12, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an TP Hà Nội thi hành Lệnh khám xét khẩn cấp đối với một đối tượng người Trung Quốc trong một vụ việc do đơn vị này thụ lý điều tra, phát hiện đối tượng này ở chung với Xue Wen tại Tòa nhà CT1 The Pride, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Tại đây, Công an TP Hà Nội thu giữ nhiều tài liệu, trong đó có 43 thẻ ATM. Đây là những thẻ ATM mà Xue Wen được đồng bọn giao cất giữ để rút tiền của người bị hại chuyển vào tài khoản.

Kết quả xác minh tại ngân hàng cho thấy trong 43 thẻ ATM có thẻ của Ngân hàng BIDV mang tên PHAM THI VANG, số tài khoản 78810000155346. Nội dung sao kê thể hiện ngày 12-11-2015 có người bị hại tên B.T.N. chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản này, và trong cùng ngày số tiền này đã bị rút ra chiếm đoạt. Tiếp đến, ngày 19-11-2015, từ tài khoản số 36810000096294 cũng đã chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản này, và bị rút ra trong ngày.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM đề nghị người bị hại đã chuyển tiền vào những tài khoản mở tại các ngân hàng VietcomBank, BIDV, TechcomBank, VPBank, Maritime Bank mang tên chủ tài khoản là Dương Thị Nguyệt, Dương Thị Hướng, Khương Văn Hùng, Lê Nguyễn Kiều Xuân, Huỳnh Hoàng Minh, Nguyễn Văn Mộng, Nguyễn Minh Nhựt, Phạm Thị Vàng, Phạm Văn Sang, Võ Văn Sáng, Quách Quốc An, Lê Tấn Đạt, Lê Thị Hồng Nhung liên hệ Đội 8 Phòng PC46 – Công an TPHCM tại địa chỉ 324 Hòa Hưng, phường 13, quận 10, điện thoại (08)38640508 để cung cấp thông tin, giúp cơ quan điều tra thu hồi tiền bị chiếm đoạt.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục