Nhiều thách thức nghiêm trọng
Nghiên cứu mới nhất vừa được công bố bởi tổ chức CropLife châu Á cho thấy, các tác động của BĐKH là thách thức lớn nhất đối với sản xuất lương thực tại khu vực Đông Nam Á, với 68,5% nông dân được hỏi đã lựa chọn đây là lý do khiến họ lo ngại nhất. Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với 525 nông dân trồng bắp, lúa gạo, trái cây và rau quả tại 4 quốc gia sản xuất lương thực lớn nhất khu vực ASEAN, gồm: Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy nông dân trồng trọt ở 4 quốc gia này ngày càng bị ảnh hưởng bởi tác động của BĐKH. Nông dân từ Philippines và Việt Nam quan tâm đến BĐKH đặc biệt cao, với tỷ lệ lần lượt là 77% và 70%.
Tại TPHCM, Nghiên cứu của Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) cũng cho thấy, nông nghiệp thành phố là lĩnh vực chịu nhiều tác động do BĐKH nhất. Tuy nhiên, trong cơ cấu kinh tế của thành phố, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ 0,67%, chính vì vậy, mức tổn thất, thiệt hại theo cơ cấu kinh tế thấp. Các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh có nền nông nghiệp chịu tác động của BĐKH cao nhất. Sự biến đổi dị thường của khí hậu tất yếu sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt, sản lượng lương thực sẽ bị giảm sút. Đồng thời, BĐKH dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực: BĐKH tác động đến sinh trưởng, phát triển, thời vụ gieo trồng, ảnh hưởng tới khả năng thâm canh tăng vụ, thiếu nước cho cây trồng, tăng dịch bệnh, dịch hại, làm giảm năng suất, sản lượng của cây trồng. BĐKH gây nguy cơ thu hẹp diện tích nông nghiệp do mực nước biển dâng, nước sông bị nhiễm mặn, diện tích trồng trọt bị thu hẹp, thiếu đất canh tác.
Ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, giảm lượng tiêu thụ thức ăn, giảm khả năng sinh sản, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Tình trạng hạn hán cũng ảnh hưởng đến trồng trọt, làm giảm nguồn phụ phế phẩm trong chăn nuôi, thức ăn cho vật nuôi trở nên khan hiếm, làm tăng giá thành sản xuất chăn nuôi. Bên cạnh đó, BĐKH ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản tại các huyện vùng ven của TPHCM. BĐKH khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra sớm, tính nguy hại cao, diễn biến thất thường và kéo dài làm ảnh hưởng đến mùa vụ nuôi và làm tăng khả năng phát sinh dịch bệnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại
Các chuyên gia chỉ ra rằng, để sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Chẳng hạn, nghiên cứu ứng dụng các mô hình tổng hợp, mô hình liên kết trồng trọt và chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản, trồng trọt và du lịch sinh thái. Tiến tới đẩy mạnh phát triển các mô hình canh tác tiên tiến như VietGAP… Trao đổi về lĩnh vực này, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng, để thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao các giống cây trồng phù hợp với từng khu vực; nghiên cứu ứng dụng các mô hình tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý chất thải nông nghiệp phải theo hướng thân thiện với môi trường.
Tiến sĩ Tan Siang Hee cho biết thêm, những sáng kiến và công nghệ tiên tiến của ngành khoa học thực vật đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân tăng khả năng chống chịu, duy trì sản xuất nhiều thực phẩm an toàn, lành mạnh hơn trong khi giảm bớt những tác động tiêu cực lên môi trường sống xung quanh. Cây trồng công nghệ sinh học được tạo ra giúp gia tăng năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn và cải thiện mức dinh dưỡng so với các loại cây trồng thông thường khác; cũng như tạo điều kiện cho việc hấp thụ carbon trong đất khi có thể thực hành phương pháp canh tác không cày xới. Đây là công cụ quan trọng giúp nông dân giải quyết các thách thức toàn cầu như mất an ninh lương thực và BĐKH.
Đồng thời, việc sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tiên tiến cũng giúp sản xuất nhiều thực phẩm hơn trên một diện tích ít hơn, với sản lượng mỗi hécta cây trồng cao hơn. Nếu không có các sản phẩm bảo vệ thực vật, 40% sản lượng lúa và bắp thu hoạch hàng năm trên toàn cầu sẽ bị mất, sản lượng hoa quả và rau củ mất đi có thể lên tới 50%-90%. Những thiệt hại về sản lượng này có thể đồng nghĩa với việc cần phải giải phóng thêm đất cho nông nghiệp, dẫn đến tăng lượng khí thải carbon.