Thêm nhiều doanh nghiệp kiến nghị xem xét lại cách áp thuế

Cách xác định mã số hải quan đối với nguyên liệu khô dầu đậu tương nhập khẩu đang có những cách hiểu khác nhau, khiến nhiều lô hàng không được hưởng ưu đãi theo nghị định của Chính phủ. Do đó, thêm nhiều doanh nghiệp đang đề nghị cơ quan hải quan xem xét lại.

Ngày 8-1, thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, sau khi Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị, hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT, phản ánh những vướng mắc liên quan mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương nhập khẩu (dùng làm thức ăn chăn nuôi) khi làm thủ tục hải quan.

IMG_6448.jpeg
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp, tập đoàn tham gia ký tên trong văn bản gồm các đơn vị như: C.P Việt Nam, De Heus, Japfa Comfeed Việt Nam, Cargill Việt Nam, New Hope TPHCM, Greenfeed Việt Nam, CJ Việt Nam, Dinh dưỡng Á Châu, Ba Huân, Sao Mai Super Feed, Nam Việt, Việt Thắng, Dinh dưỡng Quốc tế CNC, Khai Anh Bình Thuận, GAD Việt Nam và Asia Goldman.

Trong văn bản, các doanh nghiệp này khẳng định, Nghị định 144/2024/NĐ-CP ban hành ngày 1-1-2024 của Chính phủ đã đưa ra mức thuế nhập khẩu khá ưu đãi đối với mặt hàng khô dầu đậu tương (mã số 23040090). Cụ thể, thuế suất áp dụng với mặt hàng thuộc mã số này đã giảm từ 2% xuống 1%, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, từ khi nghị định có hiệu lực vào ngày 16-12-2024, các doanh nghiệp lại không được hưởng chính sách giảm thuế do sự khác biệt trong cách áp mã số hàng hóa của cơ quan hải quan. Cụ thể, các chi cục hải quan đã áp dụng mã số 23040029 với thuế suất 2% thay vì mã số 23040090 với thuế suất 1%. Điều này gây sự bất nhất trong thực hiện chính sách giữa Tổng cục Hải quan và Cục Bảo vệ thực vật, cũng như làm phát sinh chi phí, kéo dài thời gian thông quan và gây hiểu nhầm trong dư luận.

Trong khi đó, giá khô dầu đậu tương trên thị trường quốc tế đã tăng hơn 12% chỉ trong nửa tháng kể từ khi nghị định có hiệu lực, làm gia tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Đồng thời, sự chênh lệch về thuế suất nhập khẩu giữa các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (thuế suất 0%) và các quốc gia khác khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn cung từ các nước sản xuất lớn như Mỹ, Argentina và Brazil, vốn có sản lượng và chất lượng ổn định hơn.

Các doanh nghiệp lo ngại rằng, nếu tình trạng này kéo dài, ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, bao gồm sự thiếu ổn định về sản lượng và áp lực cạnh tranh quốc tế.

Để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mã số 23040029 từ 2% xuống 1%, tương đồng với mã số 23040090. Đồng thời, họ cũng đề xuất cơ quan chức năng cần hồi tố hoàn thuế nhập khẩu cho các lô hàng nhập khẩu kể từ ngày 16-12-2024 theo Nghị định 144/2024/NĐ-CP.

Việc nhanh chóng giải quyết những bất cập này không chỉ giúp giảm áp lực chi phí cho ngành mà còn góp phần ổn định nguồn cung thức ăn chăn nuôi, bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và người chăn nuôi trong bối cảnh thị trường đầy thách thức.

Tin cùng chuyên mục