Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới (53.774 ca) và có 312 ca tử vong. Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẵn sàng đối phó với biến thể này và cam kết đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại vaccine nếu cần thiết.
Hiện ngoài các công ty như Moderna, Pfizer/BioNtech và J&J thông báo đang nghiên cứu điều chỉnh vaccine, Công ty Dược phẩm Shionogi & Co. của Nhật Bản cho biết đang cân nhắc phát triển vaccine chống lại biến thể Omicron. Công ty này đã bắt đầu chuẩn bị sản xuất các hoạt chất sẽ được dùng làm cơ sở để phát triển vaccine ngừa biến thể Omicron. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo vaccine Sputnik V hoạt động hiệu quả trước biến thể mới Omicron. Đơn vị này đang phát triển một phiên bản vaccine Sputnik khác để tiêm liều tăng cường. Trong trường hợp cần thiết, phiên bản mới của vaccine Sputnik chống lại biến thể Omicron có thể được sản xuất quy mô lớn trong 45 ngày tới. Hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik dùng cho mũi tiêm tăng cường có thể được cung cấp cho các thị trường vào tháng 2-2022.
Hai công ty xếp hạng tín nhiệm của Mỹ Fitch và Moody nhận định, biến thể Omicron có thể làm tổn hại tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đồng thời đẩy giá cả thị trường lên cao hơn. Theo bà Elena Duggar, Phó Giám đốc Điều hành Moody’s, biến thể Omicron xuất hiện trong bối cảnh chuỗi cung ứng đã bị kéo căng, lạm phát gia tăng và thị trường lao động đang thiếu hụt nhân công. Hiện nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới, phủ “mây đen” lên các nỗ lực phục hồi kinh tế sau 2 năm đại dịch.