Điểm nổi bật trong thông báo chính là hỗ trợ cơ chế về tài chính, thêm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tăng kết nối giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Trong số 12 đề nghị của tỉnh Tây Ninh thì có đến 6 đề nghị liên quan đến lĩnh vực hạ tầng giao thông. Trong đó, đáng chú ý có dự án (DA) đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Thủ tướng giao Bộ GT-VT khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2018. Với DA đường cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Xa Mát, Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Sau khi quy hoạch điều chỉnh mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh phải lập đề án theo quy định, gửi Bộ GT-VT để chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách tỉnh theo quy định để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng giúp DA sớm được triển khai.
Thủ tướng cũng đồng ý giao UBND tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư DA nâng cấp quốc lộ 22, đoạn từ Suối Sâu đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Tỉnh cần chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện DA theo quy định và giao Bộ GT-VT phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong quá trình triển khai DA.
Đối với tỉnh Bình Phước, một tỉnh biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có xuất phát điểm thấp, thì có đến 6/7 đề nghị liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông nên cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong đó, Thủ tướng đồng ý giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để hỗ trợ tỉnh 450 tỷ đồng thực hiện đoạn còn lại của quốc lộ 13 (từ ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu Hoa Lư, dài 16km); giao Bộ Tài chính tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách tỉnh theo quy định để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng DA hạ tầng giao thông khi tỉnh có DA cụ thể và hướng dẫn tỉnh thực hiện. Sau đó, tỉnh Bình Phước có trách nhiệm tiến hành đấu giá đất và bố trí ngân sách địa phương để hoàn trả kho bạc nhà nước số tiền đã tạm ứng.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng giao Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với các Bộ KH-ĐT, Tài chính nghiên cứu đầu tư tuyến đường từ Bình Phước đến sân bay Long Thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, chia sẻ, thông báo của Thủ tướng về bố trí ngân sách đầu tư nâng cấp đoạn đường từ cửa khẩu Hoa Lư đến quốc lộ 13 sẽ giúp phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam của tỉnh, tăng kết nối khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Kết luận của Thủ tướng cũng cho phép dùng “vốn dư thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh để giúp phát triển giao thông kết nối giữa các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp. Và sắp tới, tỉnh sẽ xin vay vốn của Trung ương để đầu tư kết nối Đồng Phú, Chơn Thành và Đồng Xoài, tạo thành đầu tàu kinh tế, kết nối với Bình Dương, hướng đến thu hút các nhà đầu tư.