Điều giản dị còn mãi
Cũng từng là người lính, đi qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt của đất nước, chứng kiến nhiều mất mát, nhưng những ngày này bà Đoàn Lê Phong (Phó Ban Thường trực Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM) vẫn không cầm được nước mắt. Bà cùng các thành viên trong Ban liên lạc đến Hội trường Thống Nhất từ rất sớm.
Dẫu biết thời gian có quy luật của nó, nhưng khi biết tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, bà Đoàn Lê Phong và nhiều thành viên khác trong Ban liên lạc không giấu được nỗi niềm xúc động. Nghiêm trang trong trang phục áo bà ba đen, khăn rằn Nam bộ, bà bày tỏ: “Mấy hôm nay cả đất nước cùng một nỗi buồn. Cả cuộc đời đồng chí giữ cho mình một hình ảnh người cán bộ thanh bạch, gần gũi, giản dị khiến mọi người rất tiếc thương”.
Đứng lặng trong dòng người xếp hàng phía ngoài Hội trường Thống Nhất, trang phục nghiêm trang nhưng trên áo chẳng cài huân, huy chương, phải trò chuyện thật lâu bà Đoàn Thị Thanh Cần (75 tuổi, thương binh 1/4, ngụ đường Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, TPHCM) mới chia sẻ mình là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và là con gái nuôi của cố Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phan Triêm.
Từng có dịp gặp mặt và trao đổi công việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kỷ niệm với bà Thanh Cần là hình ảnh vị lãnh đạo giản dị, thân tình. Bà Thanh Cần chia sẻ: “Từ những năm tháng đất nước còn chiến tranh, khó khăn, đến bây giờ, khi đời sống xã hội, kinh tế đã phát triển hơn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ nguyên hình ảnh một người hết lòng vì nước, vì dân, giản dị vô cùng, đó là điều tôi ấn tượng và nhớ mãi khi nhắc đến đồng chí. Dù là người lãnh đạo đứng đầu đất nước, nhưng đồng chí luôn lắng nghe từng ý kiến dù là nhỏ nhất, một cách rất thấu đáo, chân tình. Tôi có dịp gặp đồng chí và bày tỏ về chính sách xóa đói giảm nghèo, đồng chí lắng nghe thật kỹ và luôn mong muốn tìm cách nâng cao đời sống người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Kính trọng nén nhang tiễn biệt
Cơn mưa bất chợt trải dài thành phố vào buổi chiều, dòng người đến viếng vẫn trang trọng, trật tự theo sự điều phối từ Ban tổ chức tang lễ. Trong hàng dài người nối nhau sau khi mưa tạnh, cô Lê Thị Lân (70 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) không ngừng dõi mắt vào bên trong Hội trường Thống Nhất để chờ đến lượt mình được vào viếng. Gia đình cô Lân có truyền thống cách mạng, ba cô là cán bộ tập kết. Nói về điều trân trọng và ngưỡng mộ dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô Lân bày tỏ: “Tôi kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người cộng sản kiên trung, liêm khiết. Hàng dài người đến viếng nên phải chờ nhau thôi, để được vào bên trong thắp nén nhang kính tiễn đồng chí”.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, dòng người xếp hàng thật dài nhưng chẳng ai than vãn nửa lời, bởi trái tim cùng chung nỗi buồn của đất nước. Xếp hàng từ sáng để chờ vào bên trong hội trường thắp nén nhang tiễn biệt vị lãnh đạo đứng đầu đất nước, cô Phan Thị Hoa (64 tuổi, giáo viên hưu trí, ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bởi cốt cách chan hòa với mọi người và những đóng góp xây dựng, phát triển đất nước, nhất là công cuộc phòng chống tham nhũng. “Có xếp hàng lâu hơn cũng không sao, điều trân trọng lúc này là tôi được vào thắp nén nhang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, cô Hoa chia sẻ.
Người trẻ thế hệ 9X hay gen Z có lẽ biết nhiều về đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua các phương tiện truyền thông và sách báo. Trong niềm thương tiếc vô vàn, chờ đến lượt mình vào viếng, bạn trẻ Nguyễn Mỹ Duyên Thanh (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ: “Tôi biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua các chương trình thời sự trên tivi, những ngày này ai cũng bày tỏ sự kính trọng và thương tiếc. Từ hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy khơi gợi thêm trong mình tình yêu nước, khi đồng chí làm việc vì nước vì dân đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời”.
Thời gian có những quy luật khắt khe mà không một ai tránh khỏi, những ngày mất mát của đất nước, triệu trái tim lại thổn thức chung một nỗi nghẹn ngào. Trong những giây phút trầm lắng của những ngày thật buồn này, trong sự mất mát, tiếc thương vô hạn, căn tính muôn đời của dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn - một tình yêu với Tổ quốc, với đồng bào càng nồng nàn.