2 bị can Nguyễn Đình Huân (38 tuổi, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp) và Nguyễn Văn Khang (35 tuổi, cán bộ phòng này) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”. Đáng chú ý là trường hợp Hoàng Kim Long - nguyên Giám đốc Eximbank BR-VT, cũng là bị can trong vụ án lại được tạm đình chỉ điều tra để đưa đi chữa bệnh tâm thần.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2009-2011, Hoàng Kim Long, Nguyễn Đình Huân và Nguyễn Văn Khang đã đại diện cho Eximbank BR-VT ký các hợp đồng tín dụng với nhóm Công ty Thanh Mai (gồm 6 công ty có trụ sở tại BR-VT) do Mai Văn Thức làm giám đốc.
Đến cuối năm 2011, các doanh nghiệp không trả được tiền gốc và lãi vay cho ngân hàng nên Eximbank Việt Nam đã tiến hành kiểm tra tài sản thế chấp của 6 công ty nêu trên thì phát hiện thiếu hơn 1.519 tấn hạt điều (trị giá 30,38 tỷ đồng) và có nhiều bao vỏ trấu, vỏ hạt điều lẫn lộn với các bao hạt điều. Eximbank Việt Nam đã có văn bản gửi Công an tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.
Cơ quan điều tra xác định, các bị can đã vi phạm quy định cho vay, như: cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có, cố ý nâng khống tài sản bảo đảm đối với nhóm khách hàng Công ty Thanh Mai, quản lý lỏng lẻo tài sản thế chấp và hậu quả là Eximbank BR-VT bị thiệt hại số tiền gần 48 tỷ đồng.
Ngày 17-3-2015, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Kim Long. Tuy nhiên, ngày 1-10-2015, Viện Pháp y tâm thần Trung ương (VPYTTTW) có kết luận bị can bị bệnh rối loạn thực tổn mức độ nặng. Do đó ngày 18-1-2018, VKSND tỉnh BR-VT ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với bị can Long tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương Biên Hòa. Cơ quan điều tra cũng ra quyết định đình chỉ bị can, khi nào có căn cứ sẽ phục hồi điều tra.
Trước đó, năm 2015, tại TP Vũng Tàu đã xảy ra một vụ thuê người truyền HIV vào cháu bé nghi là con của tình địch. Chủ mưu chính của vụ án là Đào Thị Thu Thảo (37 tuổi) - nguyên Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty TNHH Thoát nước & Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (BUSADCO) lại được đình chỉ điều tra vì lý do tâm thần.
Theo hồ sơ vụ án thì Thảo đã bàn bạc, chỉ đạo việc bắt cóc cháu bé bỏ vào chùa hoặc gây tai nạn cho cháu nhưng không thành. Thảo tiếp tục thuê các đối tượng hãm hại cháu bé bằng cách chích máu nhiễm HIV vào người cháu. Rất may mẹ cháu bé phát hiện sớm vụ việc và đưa cháu đi tiêm chống phơi nhiễm ngay nên không bị lây truyền.
Tháng 4-2016 vụ việc bị phát hiện, Thảo bị khởi tố bắt tạm giam nhưng 2 tháng sau Thảo được đưa đi giám định tâm thần và ngày 3-8-2016 VPYTTTW Biên Hòa có kết luận giám định pháp y tâm thần xác định bà Thảo: “Trước, trong và sau khi gây án bị bệnh”, “trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần”.
Ngày 4-8-2016, bà Thảo được đình chỉ điều tra và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 27-9-2016, VPYTTTW Biên Hòa có giám định pháp y tâm thần kết luận Thảo “bệnh đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa” và đề nghị đình chỉ điều trị bắt buộc cho bà Thảo.
Một ngày sau, Thảo được trở về nơi cư trú. Trước khi phiên tòa xét xử vào tháng 4-2017, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có giấy triệu tập Thảo ra tòa với tư cách nhân chứng nhưng bất ngờ Thảo lại có giấy nhập Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Bộ Y tế) với chẩn đoán “rối loạn cảm xúc, trầm cảm nặng”. Vụ án được đưa ra xét xử tháng 7-2017 và chỉ có 2 bị cáo được Thảo thuê tiêm HIV vào cháu bé bị tuyên án, còn Thảo thoát tội nhờ giấy tâm thần.