“Hành trình qua ba bể” với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng (Việt Nam góp 70%, Tập đoàn Châu Giang- Trung Quốc góp 30%), đang xúc tiến việc chọn đạo diễn, khảo sát bối cảnh và tìm kiếm diễn viên đóng vai Nguyễn Ái Quốc. Cùng với bộ phim “Nhìn ra biển cả” (Hãng phim Hội Điện ảnh sản xuất), “Hành trình qua ba bể” là bộ phim thứ 2 được Nhà nước đặt hàng sản xuất hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010.
Ngay sau khi bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công” ra mắt khán giả cách đây 6 năm, đơn vị sản xuất đã có ý định thực hiện phần “nối dài” của bộ phim với tựa đề “Hành trình qua ba bể”. Nội dung phần tiếp theo này xoay quanh các sự kiện trong một năm, kể từ khi Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Hồng Công.
Để thực hiện kế hoạch, Hãng phim Hội Nhà văn đã xúc tiến việc chuẩn bị kịch bản. Ý tưởng, đề cương cốt truyện do phía VN xây dựng, sau đó dịch sang tiếng Trung Quốc để phía bạn tham khảo, đóng góp ý kiến và mời nhà biên kịch Giả Phi của Trung Quốc viết “Hành trình qua ba bể”. Từ kịch bản của Giả Phi, hai tác giả Hà Phạm Phú và Lê Ngọc Minh đã “dỡ” ra, sửa chữa, hoàn thiện theo mục đích dàn dựng của phía VN.
“Hành trình qua ba bể” đưa người xem trở lại thời điểm lịch sử 25-1-1933, khi Nguyễn Ái Quốc đến Hạ Môn (trước đó Người đã bất ngờ qua Ma Cao), sau đó là Thượng Hải (7-1933). Tại Thượng Hải, Người đã gặp Tống Khánh Linh…
Các nhân vật lịch sử xuất hiện trong phim ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bà Tống Khánh Linh, còn có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, ông Vailant Cuturie - Tổng biên tập Báo Nhân Đạo, người đã cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp… Bên cạnh các nhân vật lịch sử có thật, bộ phim còn có một số nhân vật hư cấu theo sát “Hành trình qua ba bể” của Bác Hồ.
Đó là Ngũ Lang - một sát thủ được thực dân Pháp thuê ám sát Bác; Phương Thảo, em gái Ngũ Lang, là y tá chăm sóc Bác khi còn ở Hồng Công, sau đó tiếp tục theo Bác đi Hạ Môn, Thượng Hải, một mặt chăm sóc cho sức khỏe của Bác, mặt khác bí mật bảo vệ Bác theo yêu cầu của tổ chức cách mạng. Hai anh em, hai cá tính, thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau, mà đối tượng hướng đến đều là Nguyễn Ái Quốc. Kết cục, Ngũ Lang bị thuyết phục bởi chính đức độ, tài năng và lòng nhân ái của Bác và đã thức tỉnh.
Cũng theo ông Hà Phạm Phú, kịch bản “Hành trình qua ba bể” được hội đồng thẩm định kịch bản đánh giá là có nhiều yếu tố hấp dẫn. Bối cảnh chính là hoạt động phản gián và chống phản gián, là cuộc đấu trí giữa lực lượng cách mạng và các phe phái đối lập. Nếu biết chắt lọc, kết nối các tình huống, sự kiện để tạo ra kịch tính cho một cốt truyện thuần chất lịch sử thì đó là những gì mà khán giả muốn xem. “Hành trình qua ba bể” có những cuộc đấu trí như thế, thể hiện phẩm chất lãnh đạo, tài ngoại giao, khả năng ứng biến trong các tình huống khó khăn, cũng như sự nhân ái của Bác Hồ. Vì thế, đơn vị sản xuất dự kiến sẽ làm “Hành trình qua ba bể” theo dạng phim chính sử, có tiết tấu nhanh cùng nhiều pha hành động hấp dẫn. |
Với tư cách là 1 trong 3 tác giả kịch bản và giám sát sản xuất phim, ông Hà Phạm Phú cho biết: “Đối với phim hợp tác với nước ngoài, tiêu chí để chọn đạo diễn bên cạnh yếu tố tài năng, kinh nghiệm làm phim thì “số 1” phải là sự hòa đồng, biết lắng nghe và thuyết phục được đối tác chấp nhận những ý tưởng dàn dựng của mình trên tinh thần vì bộ phim chung.
Ở bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã được chọn cùng với đạo diễn Viên Thế Kỷ của Trung Quốc. Có thể nói, đó là ê kíp ăn ý, nhưng hiện tại cả hai đều khó có thể tham gia phim này vì lý do sức khỏe và một số lý do khác.
Riêng về diễn viên đóng vai Nguyễn Ái Quốc, Trần Lực đã thể hiện vai diễn này trong “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công” khá thành công. Trong thâm tâm, chúng tôi rất muốn Trần Lực tiếp tục tham gia “Hành trình qua ba bể” để tạo một sự liền mạch về diễn xuất, câu chuyện và hình tượng nhân vật giữa hai bộ phim.
Tiếc là Trần Lực đã được Hãng phim Hội Điện ảnh mời làm đạo diễn phim “Nhìn ra biển cả”, sản xuất cùng thời điểm. Vì thế, song song với việc tìm kiếm đạo diễn, chúng tôi cũng sẽ phải tìm diễn viên thể hiện vai Nguyễn Ái Quốc ở phim này”.
Do câu chuyện diễn ra phần lớn ở Trung Quốc cách đây 76 năm, nên theo ông Hà Phạm Phú, cái khó khi thực hiện bộ phim này chính là bối cảnh, vì với kinh phí khiêm tốn nên việc dựng lại bối cảnh đầu những năm 30 của thế kỷ trước ở Trung Quốc là một thách thức…
Theo kế hoạch, phim sẽ bấm máy vào tháng 7, kết thúc giai đoạn tiền kỳ trong năm 2009; tháng 1-2010 làm hậu kỳ và công chiếu vào dịp 19-5-2010. Với số tiền góp vốn không nhiều (30%), Tập đoàn Châu Giang tin tưởng sẽ thu hồi vốn ở bộ phim này vì cả hai đơn vị sản xuất đều gặp nhau trong quan điểm: Làm phim chính sử, tôn trọng sự thật lịch sử nhưng phải hấp dẫn người xem.
Nguyệt Nhi