Theo ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh nhân tử vong mới nhất này xảy ra vào lúc hơn 23 giờ đêm qua 29-5. Hiện nay trong số 11 bệnh nhân bị tai biến sốc phản còn lại vẫn còn 1 trường hợp trong tình trạng nặng. Còn lại 10 bệnh nhân đã được bệnh viện chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm qua để tiếp tục cứu chữa.
Đáng chú ý, cũng liên quan tới vụ tại biến nghiêm trọng này, ngay trong đêm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để thăm hỏi, động viên, chia buồn với những bệnh nhân bị tai biến và gia đình bệnh nhân tử vong. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Bệnh viện Bạch Mai tập trung và huy động mọi nguồn lực để cứu chữa người bệnh, ổn định tâm lý bệnh nhân, thân nhân người bệnh và kể cả tâm lý cán bộ y tế. UBND tỉnh Hòa Bình bố trí phương tiện đưa bệnh nhân đang cấp cứu và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực về Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện có chuyên khoa Thận nhân tạo để tiếp tục điều trị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế và lãnh đạo BVĐK Hòa Bình
Về phía đoàn công tác Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện đa khoa Hòa Bình dừng hoạt động chạy thận nhân tạo, tập trung cứu chữa bệnh nhân tai biến. Đồng thời phối hợp với các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai do Bộ Y tế điều động để tiếp tục cứu chữa cho người bệnh. Thành lập Hội đồng chuyên môn theo đúng quy định để xác định tập thể, cá nhân có hay không có sai sót chuyên môn, xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đối với hơn 100 bệnh nhân trước đây thường xuyên chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đoàn công tác đã yêu cầu tỉnh Hòa Bình chuyển những bệnh nhân này về Hà Nội trong sáng nay để người bệnh tiếp tục được chạy thận.
Về nguyên nhân của vụ tai biến này, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp tham gia cấp cứu những bệnh nhân chạy thận bị sốc phản vệ trong vụ tai biến này, cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo. Có thể do quá trình lọc máu với rất nhiều công đoạn từ máy móc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, xử lý nước và rất nhiều thuốc mà bệnh nhân phải dùng, cho tới yếu tố con người và môi trường xung quanh nên cần tiến hành điều tra, xem xét cụ thể các nguyên nhân.
Người nhà bệnh nhân chạy thận bị tai biến rất sốc trước vụ việc này
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã phối hợp cùng cơ quan Công an niêm phong máy móc, trang thiết bị, thuốc men của khoa Thận nhân tạo, dừng tiếp nhận bệnh nhân để phục vụ việc điều tra. Đồng thời lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã đến thăm, động viên, chỉ sẻ và hỗ trợ mỗi trường hợp bệnh nhân tử vong 5 triệu đồng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hỗ trợ 10 triệu đồng.