Nhiều người sử dụng mạng xã hội cũng đã chia sẻ đường dẫn bài viết từ các báo điện tử về câu chuyện này, như là một câu chuyện đầy nhân văn và cảm động trong những ngày đầu tháng 12. Trước đó, Ngày hội hoa hướng dương “Ước mơ của Thúy” cũng được rất nhiều tài khoản Facebook chia sẻ, ủng hộ bằng các status, link, hastag, bình luận…, thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người.
Trên thực tế, một hành động đẹp luôn có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy sự hình thành và lan tỏa những hành động đẹp khác. Chẳng hạn, đọc mẩu tin về trường hợp một học sinh nhặt được túi xách có nhiều tiền của ai đó đánh rơi và vội vã mang đến đồn công an nộp chắc hẳn sẽ làm nhiều người lớn sẽ tự suy nghĩ đến hành vi tích cực, hoặc khi gặp tình huống tương tự nếu chưa chủ động thực hiện việc trao trả thì cũng tự “đấu tranh tư tưởng” chứ không vội vàng giấu đi.
Hay ở đâu đó, việc tài xế taxi sau khi trả lại tài sản có giá trị cho khách thì được cộng đồng xã hội quyên góp để ủng hộ nghĩa cử cao đẹp này. Hoặc có khi người biết được những câu chuyện đẹp có thể có những hành động đẹp khác một cách lặng lẽ và chỉ có họ tự thấy vui vẻ với việc làm của mình mà không cần cho nhiều người khác biết. Điều đó được một số người gọi là “đáp đền nối tiếp”, tức là một người khi tiếp nhận được một điều tốt đẹp thường có xu hướng thực hiện điều tốt đẹp khác với người khác, và cứ thế làm cho những điều tốt đẹp lan tỏa mãi.
Hiện nay, mạng xã hội là môi trường giúp những điều tốt đẹp lan tỏa dễ dàng và nhanh chóng. Sự chia sẻ trong một số trường hợp có tốc độ ở cấp số nhân khiến câu chuyện được rất nhiều người biết, từ đó chính báo chí có thể quay trở lại khai thác và tiếp tục làm câu chuyện được thêm đậm, thêm dày hơn, miễn là thông tin đúng sự thật và có dụng ý tốt đẹp.
Tuy nhiên, cơ chế lây lan với các thông tin tiêu cực, bạo lực, sai trái… lại càng nhanh chóng hơn, bởi tâm lý tò mò và dễ bị hấp dẫn bởi những điều không hay. Điều đáng nguy hiểm hơn là khi thông tin bị cắt cúp, bị bóp méo, bị suy diễn sai lầm thì tác hại cho người tiếp nhận, cho cộng đồng lại càng phức tạp hơn.
Do đó, thay vì phê phán xã hội có nhiều điều không tốt đẹp, mỗi người chúng ta nên cố gắng làm một việc gì đó tốt đẹp hay ít nhất là tạo sự lan tỏa của những điều tốt đẹp mà mình đã thấy, đã biết. Bởi với hiệu ứng “đáp đền tiếp nối”, những điều hay, điều tốt đẹp, các câu chuyện nhân văn… sẽ tác động tích cực đến nhận thức và tình cảm của nhiều người, rồi dần trở thành hành động cụ thể, thực tế có giá trị gấp nhiều lần những lời động viên, kêu gọi hãy hành động.
Đồng thời, chúng ta cũng nên nhận ra rằng, những điều tiêu cực, các câu chuyện bạo lực, mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong mỹ tục… cũng có sức hấp dẫn riêng của nó, đến độ người ta tin và nghe theo không kém gì các câu chuyện đẹp. Nhưng đằng sau đó, những điều này lại gieo vào đầu người tiếp nhận những cảm nhận tối tăm, những ấn tượng nặng nề, khiến họ mất động lực, giảm niềm tin vào cuộc sống, thậm chí có hành động sai trái.
Như vậy, việc đưa thông tin tiêu cực tưởng chừng là việc riêng của mỗi người hóa ra lại gây ảnh hưởng xấu đến nhiều người khác, đến xã hội, rồi đến lúc nào đó nó tác động ngược trở lại với chính người đưa tin: hóa ra xã hội còn xấu hơn ta nghĩ!
“Hãy là người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm” có vẻ như là một khẩu hiệu nhắc nhở những người dùng mạng xã hội luôn ý thức, có trách nhiệm với từng status, lượt share, từng comment của mình. Nhưng hơn thế nữa, có lẽ câu “Hãy là người sử dụng mạng xã hội nhân văn hơn”, để có thể góp phần làm những điều tốt đẹp trong xã hội này thêm nảy nở và lan tỏa!