Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguồn vốn này khó tiếp cận do ngân hàng luôn yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, phương án sản xuất khả thi… Thực tế này khiến cho quy trình sản xuất của doanh nghiệp luôn bị thiếu nguồn vốn lưu động.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền, cán bộ cao cấp thị trường tài chính IFC, cho biết, IFC đã thiết kế chương trình hỗ trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất thấp hơn lãi suất vay của ngân hàng.
Theo đó, chỉ cần doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà IFC tài trợ, doanh nghiệp cung ứng sẽ được hỗ trợ vốn vay tương ứng 100% tổng chi phí trên hóa đơn cần thanh toán. Điều này giúp cho thanh khoản của doanh nghiệp linh hoạt hơn.
Trên thực tế, việc triển khai chương trình tài trợ chuỗi cung ứng đã và đang phát huy hiệu quả nhất định, giảm thiểu khó khăn về thiếu vốn lưu động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết, để có thể tiếp cận những chính sách hỗ trợ từ tổ chức tín dụng tài chính nói chung, trước hết bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện nội lực sản xuất của mình để đáp ứng tiêu chuẩn cung cấp của các chuỗi cung ứng toàn cầu như số lượng đơn hàng, chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng giờ, giảm tỷ lệ hàng lỗi và giảm giá thành đủ cạnh tranh với các nhà cung ứng toàn cầu khác…