Dấu chân của Bác trên mọi nẻo đường
Đoàn đã đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và hoạt động cách mạng sau khi trở về nước năm 1941. Đoàn đã thăm núi Các Mác, suối Lênin, hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm, mộ anh Kim Đồng…, những nơi đây vẫn còn lưu lại chứng tích lịch sử là minh chứng cho sự hiện diện của Người. Đó là vườn trúc do chính tay Bác trồng, là tảng đá nơi Bác thường ngồi câu cá, là chiếc giường gỗ đơn sơ, là bếp lửa như vẫn còn hơi ấm của Người.
NSND Hà Thế Dũng xúc động: “Chỉ có Người với một tình yêu đất nước, một tình yêu dân tộc lớn lao mới có thể vượt qua tất cả mọi thử thách”. Cảm xúc của NSND Hà Thế Dũng cũng là cảm xúc của không ít văn nghệ sĩ trong suốt chuyến hành trình.
Trên 70 thành viên của đoàn, trong đó gần 60 người là văn nghệ sĩ tiêu biểu của TPHCM đã không khỏi bồi hồi xúc động khi được đến với quê hương cách mạng Tuyên Quang. Về vùng đất được mệnh danh là “thủ đô kháng chiến”. Có người nhiều lần được nghe qua báo đài, có người mới chỉ đến thăm những mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào thông qua các… tiết mục biểu diễn; không ít thành viên lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, được tận mắt chứng kiến những di tích lịch sử ghi dấu giai đoạn đầy gian khó của buổi đầu cách mạng.
Trước đền thờ Bác tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Tuyên Quang, NSƯT Huỳnh Khải xúc động nói: “Càng ý nghĩa hơn khi chúng con đến với quê hương cách mạng trong năm 2019, khi mà cả nước kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người; nhiều anh chị em trong đoàn đã vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú do Nhà nước phong tặng, cũng như đạt các giải thưởng văn học nghệ thuật của thành phố và Trung ương, ghi nhận xứng đáng quá trình lao động sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ”.
Tiếp thêm sức mạnh
Tham gia suốt chuyến hành trình, Nghệ nhân nhân dân - họa sĩ Trương Lộ quan sát, ghi chép và ghi lại hình ảnh những địa danh lịch sử khá cẩn thận. Lâu nay ông thường gắn bó với loại hình tranh thủy mặc, với đề tài phong cảnh quê hương và sinh hoạt thường nhật của đồng bào các dân tộc ở miền núi. “Tôi nghĩ mình được bổ sung thêm rất nhiều kiến thức lịch sử sau chuyến về nguồn bổ ích này. Từ những chất liệu thiết thực, trong tương lai, tôi sẽ khai thác các tác phẩm đề tài lịch sử mà lâu rồi tôi chưa có dịp thực hiện”, ông nói.
Với NSƯT Bùi Xuân Hanh, người từng vinh dự lớn lao khi được gặp Bác Hồ đến 4 lần, bao nhiêu cảm xúc và hình ảnh gần gũi của Bác như đang ùa về. “Tôi như đang cảm nhận từng bước chân của Bác trên sỏi; từng cử chỉ, từng lời của Bác mà tôi đã được nghe. Lời Bác là sức mạnh giúp tôi luôn vững vàng vượt dãy Trường Sơn, mang niềm động viên tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên nhiều mặt trận. Khắc ghi lời Bác, tôi luôn tâm nguyện đem hết tài năng, sức lực của mình đóng góp cho văn hóa nghệ thuật thành phố và nước nhà”, nghệ sĩ Bùi Xuân Hanh chia sẻ.
Lần đầu tiên được đến với những căn cứ cách mạng, những di tích lịch sử ghi dấu ấn của Bác, NSƯT - đạo diễn Thanh Nga bày tỏ: “Đây là một chuyến đi vô cùng bổ ích với văn nghệ sĩ chúng tôi. Hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi chính là lán Nà Lừa. Một vóc người nhỏ bé lại có thể vượt qua tất cả, trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Chỉ có thể là một tình yêu Tổ quốc, tình yêu dân tộc mà thôi. Trong những bài giảng của tôi sau này cho các nghệ sĩ trẻ, tôi sẽ đưa vào đấy những chất liệu thực tế, những hình ảnh trực quan từ chuyến đi này. Trước mắt, mong mỏi của tôi là hoàn tất vở San hô đỏ (kịch bản từ truyện ngắn Sóng của nhà văn Bích Ngân) và đưa được vở này đến sinh viên các trường đại học, các cán bộ chiến sĩ trong năm tới 2020”.