Thêm đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch

TP Thủ Đức và 21 quận huyện đang khẩn trương rà soát, thống kê lao động tự do làm các nghề thợ hồ, xe ôm công nghệ, bảo mẫu, giúp việc nhà, đánh giày, bán báo dạo… để lập danh sách hỗ trợ. Hiện Sở LĐTB-XH TPHCM cũng đang tổng hợp, báo cáo UBND TPHCM xem xét hỗ trợ sớm nhất có thể, với thủ tục đơn giản.
Cán bộ phường 4, quận 5 giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân. Ảnh: Cao Thăng
Cán bộ phường 4, quận 5 giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân. Ảnh: Cao Thăng

Hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày giãn cách xã hội

Trong đợt hỗ trợ đầu tiên, từ ngày 5-7 đến 15-7, TPHCM tập trung hỗ trợ 6 nhóm lao động tự do (được nêu trong Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM). Đó là những người lao động (NLĐ) làm các công việc như bán hàng rong, bán vé số, thu gom rác, bốc vác, xe ôm truyền thống, thợ cắt tóc… Quy mô của 6 nhóm lao động tự do này là 281.000 người và đến nay, TPHCM đã cơ bản chi trả xong bằng nguồn ngân sách của TPHCM. 

Tiếp đó, từ ngày 16-7 đến 25-7, những người được tập trung hỗ trợ là NLĐ có hợp đồng tại các doanh nghiệp nhưng đang tạm hoãn việc, ngưng việc không hưởng lương, hoặc NLĐ nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (khoảng 92.000 người). Đồng thời, chi hỗ trợ tới 60.000 điểm kinh doanh ở các chợ truyền thống và khoảng 10.000 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động. Đến nay, khoảng 60% NLĐ nghỉ việc, ngưng việc đã nhận hỗ trợ. 

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, TPHCM đang chuẩn bị triển khai đợt hỗ trợ thứ 2, thực hiện từ ngày 25-7 trở đi. Sở đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê những lao động tự do nằm ngoài 6 nhóm công việc đã nêu trong Nghị quyết 09.

Cụ thể, các quận huyện và TP Thủ Đức cần thống kê những người làm 10 nhóm công việc: 1- Bảo mẫu, quét dọn, giúp việc gia đình thuê; 2- Bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê; sửa xe, vá xe nhỏ lẻ; bán báo dạo, đánh giày; 3- Bán hàng và trợ giúp bán hàng thuê; 4- Xử lý hạt giống để nhân giống, đốn lá (lợp nhà); 5- Đánh bắt thủy sản như bắt cá, cào nghêu, làm mồi câu, kéo lưới, đan lưới, đánh lưới; 6- Thợ hồ (thợ nề), phụ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ;  7- Tài xế, phụ xe, lơ xe, tiếp viên; 8- Xe ôm công nghệ; 9- Tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, may gia công, làm hàng thủ công, mỹ nghệ; 10- Nhóm công việc khác do TP Thủ Đức và quận huyện đề xuất. Thống kê sơ bộ, có khoảng 27.000 NLĐ làm các công việc trên. Những người này chưa nhận được hỗ trợ.

“Sở LĐTB-XH TPHCM đề xuất TPHCM bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM vận động từ cộng đồng. Dự kiến, mức hỗ trợ bằng với những lao động tự do đã nhận hỗ trợ từ gói 886 tỷ đồng của TPHCM, tức là 50.000 đồng/người/ngày giãn cách xã hội”, ông Lê Minh Tấn cho hay.  

Cần xem xét linh động 

 Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, điều kiện nhận hỗ trợ là những người mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/người/tháng (mức chuẩn cận nghèo của TPHCM) và cư trú hợp pháp trên địa bàn TPHCM - tức là có đăng ký thường trú, tạm trú tại địa phương.

Theo Luật Cư trú, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phường, xã, thị trấn nơi đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên phải đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít NLĐ đến TPHCM làm việc từ nhiều năm song vẫn chưa đăng ký thường trú, tạm trú. “Việc tạm trú cần đăng ký từ trước đó, và triển khai hỗ trợ là người lao động nhận được tiền ngay, không phải làm bất cứ thủ tục gì. Chứ bây giờ mới đi đăng ký tạm trú để nhận hỗ trợ thì không hẳn đã đúng”, ông Lê Minh Tấn, Sở LĐTB-XH TPHCM, giải thích.

Trong khi đó, đối với lao động tạm hoãn việc, nghỉ việc ở doanh nghiệp, người nhận hỗ trợ là người tạm hoãn việc, nghỉ việc từ 30 ngày liên tục trở lên (tính từ ngày 1-5 đến 31-12). Đồng thời, NLĐ đó đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn việc, nghỉ việc. Điều đó có nghĩa, những NLĐ nghỉ việc trước ngày 1-5, hoặc trước đó không tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ thì sẽ không được hỗ trợ. Tuy nhiên, trên địa bàn TPHCM, có khoảng 90.000 đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH thì có đến 48% đơn vị nợ BHXH. Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng BHXH đã ảnh hưởng tới quyền lợi trực tiếp của NLĐ, không đủ điều kiện để nhận gói hỗ trợ. 

Cùng với hỗ trợ theo gói 886 tỷ đồng của TPHCM, thành phố cũng trích ngân sách để thực hiện hỗ trợ theo gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên, những vướng mắc về nơi cư trú hợp pháp, doanh nghiệp nợ đóng BHXH đang khiến hàng ngàn NLĐ mất cơ hội, quyền lợi được hỗ trợ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét, linh động, đơn giản hơn về thủ tục.

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, trong đợt 2, cùng với mở rộng diện hỗ trợ ra các nhóm ngoài Nghị quyết 09, TPHCM cũng tái hỗ trợ cho những NLĐ đã nhận hỗ trợ trong đợt 1. Bởi ở đợt 1, lao động tự do mới nhận hỗ trợ cho 30 ngày đầu tiên TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, chưa nhận hỗ trợ cho những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 9-7). Từ ngày 1-5 đến ngày 31-12, TPHCM có bao nhiêu ngày giãn cách xã hội thì lao động tự do sẽ được hỗ trợ bấy nhiêu ngày với mức 50.000 đồng/người/ngày.


Như vậy, với lao động tự do lần đầu tiên nhận hỗ trợ trong đợt 2, dự kiến sẽ được nhận luôn tiền hỗ trợ cho 30 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16.

Tin cùng chuyên mục