Đại diện Ban tổ chức cho biết, theo thống kê của Bộ TN-MT, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Trong đó, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí.
Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.
Một số ý kiến cho rằng, làm thế nào để biến vòng luẩn quẩn của hiện trạng rác thải thành vòng tròn đạo đức bền vững là một câu hỏi khiến Chính phủ, các cơ quan chức năng và các tổ chức, công ty liên quan vấn đề môi trường tốn rất nhiều thời gian và công sức để có những giải pháp phù hợp. Việc tìm kiếm một công nghệ tốt, hiệu quả, nhưng vẫn phải đảm bảo chi phí lắp đặt, vận hành, duy tu bảo dưỡng chấp nhận được là một trong những thách thức, nhất là trong bối cảnh việc xử lý rác thải không phải là một ngành mang lại lợi nhuận lớn.
Theo GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, các phương pháp xử lý chất thải sinh hoạt đang được áp dụng ở Việt Nam hiện bao gồm, chôn lấp, sản xuất phân compost, đốt thiêu hủy bằng các lò thủ công, đốt rác phát điện và biogas. Những phương pháp này vẫn còn bộc lộ những hạn chế, nhược điểm trong quá trình triển khai, những bất cập tiềm ẩn gây ô nhiễm cho môi trường không khí, môi trường đất…
Công nghệ xử lý chất thải bằng phương pháp sử dụng nước siêu tới hạn để phân hủy có những ưu điểm như không phát sinh khí CO2, dioxin khi xử lý rác bằng công nghệ đốt, sẽ không gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất bằng phương pháp chôn lấp.
Phân tích thêm về công nghệ xử lý rác bằng phương pháp sử dụng nước siêu tới hạn để phân hủy, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Chủ tịch SCM Việt Nam cũng cho biết, công nghệ này không phát thải từ chính lò phản ứng; không cần phân loại rác đầu nguồn; giảm đáng kể khối lượng chất thải (lên đến 70%); linh hoạt cho nhiều loại chất thải (đô thị, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, bùn và chất độc hại). Sản phẩm sau khi xử lý là viên ném Biomass thân thiện với môi trường, công suất xử lý được khoảng 45 tấn trong hai giờ/máy.