Đây là một bước ngoặt nữa vô cùng quan trọng với Anh và EU sau Brexit bởi nếu không đạt được thỏa thuận, đôi bên sẽ đều bị ảnh hưởng.
Không dễ dàng
Ông Barnier cho biết thêm, vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra tại London vào cuối tháng 3, với nội dung nghị sự gồm thương mại, an ninh, chính sách đối ngoại và nhiều lĩnh vực khác. Đại diện phía Anh là ông David Frost. Tuy nhiên, ông Barnier khẳng định sẽ không tìm cách kết thúc đàm phán “bằng bất cứ giá nào”, bởi trong một thời gian (đàm phán) rất ngắn không thể hoàn tất mọi thứ, dù EU sẽ nỗ lực hết sức. Ông cũng cảnh báo tiến trình thương lượng sẽ “phức tạp, khắt khe, khó khăn, thậm chí có thể rất khó khăn”.
Hôm 31-1, Anh chính thức rời EU sau hơn 3 năm đàm phán thỏa thuận “ly hôn” nhiều kịch tính với EU, chủ yếu do tính nhạy cảm xung quanh vấn đề biên giới Ireland, vùng đất duy nhất kết nối giữa EU và Anh hiện nay, cũng như lịch sử bạo lực giữa 2 bên. Với việc cả Brussels và London đều thể hiện lập trường cứng rắn trước đàm phán, Chính phủ Ireland đã cảnh báo một thỏa thuận thương mại cơ bản có thể không đạt được vào cuối năm nay, nếu như Anh không tôn trọng các nghĩa vụ trong vấn đề biên giới đã nhất trí theo thỏa thuận ra đi.
Giới quan sát cũng nhận định những quan điểm đối nghịch nhau của 2 phía cho thấy giai đoạn đàm phán về quan hệ thương mại tương lai giữa Anh và EU có thể gặp nhiều trắc trở như quá trình đàm phán thỏa thuận “ly hôn”.
Thiệt hại đôi bên
Mỗi năm, Anh có thể mất 32 tỷ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang các nước EU nếu không đạt được thỏa thuận thương mại song phương với khối này. Đây là một phần nội dung trong báo cáo của các nhà kinh tế Liên hiệp quốc (LHQ) đưa ra tại Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 25-2.
Báo cáo của UNCTAD nêu rõ thị trường EU chiếm tới 46% hàng hóa xuất khẩu của Anh, do đó việc Anh không có được một thỏa thuận với EU sẽ tác động mạnh đến kinh tế của nước này. Cụ thể, mức thiệt hại 32 tỷ USD nêu trên tương ứng 14% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Anh sang EU. Trong đó, một nửa thiệt hại bắt nguồn từ các biện pháp thuế quan mà 2 bên có thể áp dụng và một nửa do các biện pháp phi thuế quan ảnh hưởng đến giao thương giữa 2 bên như các quy định về y tế, môi trường và tiêu chuẩn đóng gói hàng hóa.
Báo cáo của UNCTAD cũng chỉ ra một số nước EU chịu ảnh hưởng tiêu cực khi không có thỏa thuận thương mại với Anh. Ireland là quốc gia chịu tổn thất nhất với hàng hóa xuất khẩu, có thể giảm tới 10% nếu kịch bản không thỏa thuận xảy ra. Báo cáo của UNCTAD cho biết, ngay cả khi 2 bên đạt được một thỏa thuận “tiêu chuẩn”, tương tự như EU - Canada, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU cũng vẫn giảm khoảng 9%.
Dù vậy, kịch bản không thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh sẽ là cơ hội đối với một số nước đang phát triển xuất khẩu sang Anh và EU. Những hàng rào thương mại giữa Anh và EU sẽ có lợi cho các nước thứ 3. UNCTAD dự báo xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển sang Anh có thể tăng tới 4%, tập trung nông sản, thực phẩm, đồ uống, gỗ và giấy. Ngược lại, việc 2 bên đạt được thỏa thuận thương mại sẽ ngăn cản động lực chuyển hướng tìm kiếm đối tác thương mại tại những nước thứ 3.