Theo The Straits Times, đoạn video dài hơn 30 phút, được chiếu vào ngày 24-9 trong đó có hình ảnh cảnh tay súng người Singapore với cái tên giả là Abu Uqayl. Người này nói tiếng Anh, trực tiếp chỉ đạo các chiến binh ở Đông Á và các nơi khác kêu gọi họ tăng cường các hành động bạo lực trong khu vực.
Bộ Nội vụ Singapore xác định người đàn ông này là Megat Shahdan Abdul Samad (39 tuổi), đã rời Singapore vào năm 2014 để làm việc ở Trung Đông, nơi đó Megat Shahdan đã gia nhập IS. Megat Shahdan từng phạm hàng loạt tội liên quan đến ma túy và hình sự ở Singapore, bao gồm cả hành vi trộm cắp vào năm 1999 và 2002.
Theo giáo sư Bilveer Singh tại Đại học Quốc gia Singapore, sự xuất hiện của Megat Shahdan Abdul Samad trong video tuyển dụng cho thấy người này có vai trò quan trọng với IS khi tham gia vào các hoạt động của IS tại khu vực.
Các video của IS tuyên truyền bạo lực tại khu vự Đông Nam Á thường sử dụng tiếng Malay, Bahasa của Indonesia và tiếng Anh. Giáo sư Singh cho biết thêm rằng Megat Shahdan không phải là người được chọn ngẫu nhiên đến từ Đông Nam Á, đó là từ một quốc gia mà người Hồi giáo thuộc nhóm thiểu số (Singapore) đã nhắm mục tiêu công khai để tấn công.
Theo giáo sư Singh, đoạn video này nhằm mục đích “truyền cảm hứng và thúc đẩy” những người Hồi giáo nói tiếng Anh trong khu vực.
Giáo sư Singh nói thêm: Với IS đang thua lớn ở Trung Đông, video cũng là một lời kêu gọi rõ ràng để tham gia cuộc chiến ở nơi khác, đặc biệt ở Đông Nam Á, nơi đang xảy ra xung đột ở thành phố Marawi của Philippines và bang Rakhine của Myanmar.
Trước đó, một video khác đã thu hút người xem ở Đông Nam Á khiến các thành viên IS và các cảm tình viên di chuyển đến thành phố Marawi ở miền Nam Philippines chiếm thành phố này.
Giáo sư Rohan Gunaratna của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) cho biết IS tìm cách làm sâu sắc thêm ảnh hưởng về ý thức hệ và hoạt động của chúng ở Đông Nam Á.
“Để gây bất ổn cho khu vực, chiến lược của chúng là củng cố và quân sự hóa người Đông Nam Á, kể cả người Singapore”, giáo sư nói thêm.
Đồng tác giả nghiên cứu của RSIS là Remy Mahzam nói rằng video này cho thấy một sự thay đổi chiến lược, có thể là một phần trong nỗ lực thu hút những người Hồi giáo trẻ hơn, nói tiếng Anh ở Đông Nam Á. “Họ không còn chỉ sử dụng tiếng Ả Rập làm phương tiện giảng thuyết hay tuyên truyền... Họ đang sử dụng một ngôn ngữ có thể tiếp cận được với các cộng đồng ở đây (tiếng Anh)”, ông Remy nói.