Theo đó, qua kết quả xét nghiệm mẫu heo của Cục Thú y vùng 7 xác định, hộ ông Phạm Văn Mười (ấp B1, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi.
Tổng đàn heo nuôi là 7 con heo nái, có triệu chứng bệnh như tiêu chảy, bỏ ăn… Sau đó, gia đình báo cho cơ quan chức năng.
Đến ngày 31-5, số heo mắc bệnh này đã được tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, lấy mẫu gửi xét nghiệm, kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi.
Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành dập dịch tại chỗ không để dịch phát tán rộng và lây lan diện rộng. Ngoài ra, gửi mẫu heo ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) đi xét nghiệm, do có nghi vấn giống với bệnh dịch tả heo châu Phi. Song song đó, triển khai thực hiện các giải pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh; tăng cường công tác tuần tra, giám sát, lập các chốt ngăn chặn, kiểm soát vận chuyển, nhập heo vào địa bàn, sát trùng khu vực xung quanh ổ dịch… Tuy nhiên, nguyên nhân tái phát, lây lan, xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi chưa được xác định, có nhiều khả năng lây từ mầm bệnh heo ngoài tỉnh.
UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo các lực lượng liên ngành phối hợp kiểm soát chặt chẽ, lập chốt và trực 24/24 trên cả đường bộ và đường thủy ,để ngăn dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.
Tại Đồng Tháp, dịch tả heo châu Phi đã lan rộng tới 8 huyện, thị trong tỉnh; số lượng heo bị bệnh phải tiêu hủy hơn 900 con.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 1- 6, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng các ngành liên quan, đã trực tiếp khảo sát tại các trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn huyện Cao Lãnh và Tháp Mười.
Tại huyện Cao Lãnh, qua kiểm tra tại Trạm kiểm dịch động vật xã Tân Hội Trung, lực lượng chức năng phát hiện 1 trường hợp vận chuyển 510 kg da heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nên tiến hành tiêu hủy tại chỗ.
Còn ở huyện Tháp Mười, lực lượng chức năng huyện vừa phát hiện và tiến hành tiêu hủy 2 con heo của một hộ dân xã Phú Điền có dấu hiệu bệnh dịch tả heo châu Phi; đối với đàn heo 72 con của 1 hộ dân xã Mỹ An, trong đó 1 con chết nhưng chưa rõ nguyên nhân, số heo còn lại đang được theo dõi chặt chẽ. Tổng đàn heo ở huyện Tháp Mười hiện trên 17.600 con, với 943 hộ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu huyện Tháp Mười tăng cường phòng chống dịch bệnh, phân công lực lượng trực tại các chốt, trạm kiểm dịch; thực hiện đúng quy trình hướng dẫn tiêu hủy heo bệnh và hạn chế di chuyển xa để tránh phát tán thêm mầm bệnh; trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng quy định về trưng dụng, trưng mua để xử lý dịch khẩn cấp.
UBND tỉnh lưu ý Sở NN-PTNT bố trí hợp lý lực lượng thú y tại các trạm kiểm dịch động vật, có hướng dẫn biện pháp chôn lấp phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là những nơi có tổng đàn lớn.
Hiện tại, tỉnh không khuyến khích các hộ nuôi tái đàn trong lúc đang còn dịch bệnh, mà phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng…