Thêm “áo giáp” cho ngành bán lẻ

Các dự báo cho thấy chiến tranh thương mại xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có các mặt hàng tiêu dùng nội địa. Do vậy, ngành bán lẻ cần có các chính sách cụ thể nhằm thêm “áo giáp”, vực dậy sức mua.

Tràn ngập hàng ngoại giá rẻ

Gần đây, thị trường tràn ngập mặt hàng nhập khẩu với giá cả rẻ... bất ngờ. Ví dụ như cherry (anh đào) trước đây được xem là loại trái cây phục vụ “nhà giàu”, thì nay rao bán với giá sỉ khoảng 80.000 đồng/kg. Người bán trên Facebook, TikTok giới thiệu, đây là hàng nhập khẩu trực tiếp từ Chile, đi theo đường tàu biển nên có giá tốt.

“Cách nay ít ngày, tôi mua thử loại này vì thấy phù hợp túi tiền, nhưng khi ăn thì thấy chất lượng kém, trái nhạt, sượng, hơi chua”, chị Mai Loan, ngụ tại Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết.

Nho mẫu đơn cũng được bán đổ đống trên các xe đẩy, cửa hàng… với giá khoảng 100.000 đồng/kg, trong khi mặt hàng này nhập khẩu từ Hàn Quốc khoảng 600.000 đồng/kg, còn nhập từ Nhật Bản có giá từ 1 triệu đồng/kg. Các sản phẩm thịt đông lạnh nhập từ các nước Ấn Độ, Mỹ, Brazil… cũng tăng mạnh. Ghi nhận tại TPHCM, thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá rẻ hơn từ 30%-40% so với mặt hàng trong nước.

Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market Việt Nam, cho rằng hiện tượng trên sẽ ngày càng phổ biến ở rất nhiều lĩnh vực bởi tác động của chiến tranh thương mại. Dự kiến, nhiều mặt hàng từ các thị trường như Trung Quốc, Mỹ… tiếp tục đổ về các siêu thị, cửa hàng của Việt Nam với giá mềm, gây áp lực cho các mặt hàng nông sản nội địa. Bên cạnh đó, thời gian tới, có khả năng các mặt hàng tiêu dùng sẽ được điều chỉnh giá. Đại diện một số hệ thống bán lẻ khác tại TPHCM cũng thông tin, chương trình bình ổn thị trường kéo dài đến hết tháng Giêng, tuy nhiên hiện nay một số doanh nghiệp, nhà cung ứng đã đề xuất thay đổi giá bán.

Q5b.jpg
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại Trung tâm thương mại AEON Mall, quận Bình Tân, TPHCM Ảnh: GIA HÂN

Trợ vốn vay, mở rộng thị trường

Để tăng cường “áo giáp” cho ngành bán lẻ, hàng loạt hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, MM Mega Market, Tập đoàn Central Retail, Satra… đã vào cuộc, nỗ lực cùng ngành công thương TPHCM kéo dài thời gian bán hàng bình ổn giá, thêm nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi; làm việc với các nhà cung ứng để có mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam (sở hữu GO!, BigC…), cho biết, tập đoàn đã và đang đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm các nhà cung cấp đặc sản vùng miền (trâu gác bếp, măng khô, khô bò, khô nai…) từ các địa phương trên cả nước. Mục tiêu hướng đến là nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt, đưa nhiều hàng Việt vào hệ thống siêu thị của Central Retail; góp phần tạo sinh kế cộng đồng bền vững. Thời gian qua, tập đoàn cũng đã kết nối, “cầm tay chỉ việc” cho bà con ở một số tỉnh thành vùng cao các phương pháp canh tác nông sản sạch, an toàn… để từng bước đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị.

Các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và xuất khẩu hàng tiêu dùng cũng tính toán nhiều kế sách phù hợp với thời cuộc. Đại diện Công ty CP Lương thực Thực phẩm Safoco chia sẻ, đơn vị có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với hơn 8.000 điểm bán hàng. Về xuất khẩu, công ty liên tục tìm kiếm mở rộng thị trường nhằm tránh rủi ro. Nhờ đó, hàng của công ty xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Canada, Nga, Na Uy, Thụy Điển, Tiệp Khắc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

“Đối với thị trường trong nước, chúng tôi luôn đồng hành, sẵn sàng cùng ngành công thương chung tay với TPHCM, giữ giá bán hàng hóa ổn định”, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Bình Tây Food, cho biết.

Nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp, mới đây tại cuộc họp của ngành công thương, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, những đơn vị muốn vay sản xuất, kinh doanh sẽ được vay ưu đãi trong gói vay gần 200.000 tỷ đồng. Ngay cả những doanh nghiệp thành lập ở các tỉnh thành khác nhưng có trụ sở tại TPHCM cũng được xem xét. Về lâu dài, các chính sách liên quan đến hỗ trợ lãi suất, thuế, tinh giản thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn… sẽ từng bước góp phần thúc đẩy mãi lực, giúp hàng Việt củng cố thị phần vững chắc trên “sân nhà”, cũng như vươn xa hơn ra thị trường quốc tế, thích nghi tốt hơn với “thương chiến”.

Tiếp tục khai phá những thị trường lớn

Tại cuộc họp Chính phủ vừa qua, các bộ, ngành có chung nhận định về nguy cơ chiến tranh thương mại đang đến gần và cần giải pháp ứng phó. Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Ngoại giao để phát triển thị trường Halal (Hồi giáo); phối hợp Bộ Công thương tiếp tục triển khai xúc tiến tại 2 thị trường lớn gồm Mỹ, Trung Quốc, cũng như các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… Lãnh đạo các bộ đều nhìn nhận, nếu chuẩn bị vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để có vùng nguyên liệu minh bạch, chúng ta chắc chắn sẽ yên tâm về chất lượng sản phẩm, cũng như củng cố, mở rộng thị trường.

Tin cùng chuyên mục