(SGGP).– Ngày 24-8, ông Dương Ngọc Đức, Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt, cho biết UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành tiêu chuẩn chất lượng và bản đồ vùng sản xuất đối với 5 loại hoa được gắn nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”, gồm: salem, ngàn sao, hồng môn, đồng tiền và ly ly. Để được gắn nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”, các loài hoa này phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng hoa như: ngoại quan, chiều cao cành hoa, đường kính và kết cấu phân bố hoa, màu sắc và hương thơm đặc trưng của từng giống hoa. Bên cạnh đó, sản phẩm phải có thông tin về đơn vị và địa điểm sản xuất, nguồn gốc giống hoa, thời gian thu hoạch.
Trước 5 loại hoa nói trên đã có 6 loại hoa được gắn nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” là địa lan, hồng, cúc, cẩm chướng, cát tường, layơn. Hiện Đà Lạt - Lâm Đồng là vùng sản xuất hoa lớn nhất nước với sản lượng khoảng 2 tỷ cành/năm.
NAM VIÊN
* Hàng trăm trụ tiêu chết nghi bón phân dỏm
(SGGP).- Những ngày qua, nhiều hộ nông dân ở xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) như “khóc ròng” vì hàng trăm trụ tiêu của gia đình bắt đầu đậu hạt đã bị chết hàng loạt. Theo lời của nhà nông tại địa phương, có tình trạng trên vì họ đã sử dụng các loại phân bón lá và bón gốc do một công ty vật tư nông nghiệp ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cung cấp. Công ty này đã về xã Ia Nan tổ chức hội thảo, giới thiệu sử dụng phân bón nhãn hiệu TL và No 1. Có hộ đã mua khoảng 30 - 40 triệu đồng phân để bón, sau đó vườn tiêu chết hết, hộ ít thì mất trăm triệu, người nhiều thì cả tỷ đồng, vì giá hồ tiêu hiện nay đã đạt “đỉnh”, ở mức gần 190.000 đồng/kg.
Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang phổ biến tình trạng một số cơ sở sản xuất và phân phối sản phẩm vật tư nông nghiệp vì lợi ích cá nhân đã len lỏi về các làng xã ở vùng sâu vùng xa, nơi bà con nông dân thiếu kiến thức để bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hướng dẫn sử dụng thuốc, phân bón sai chức năng, quy trình… làm thiệt hại cho nông dân và gây khó khăn cho nhà quản lý.
ĐỨC TRUNG