Cụ thể, vào ngày 25, sau khi tiêm văcxin ComBE Five, có 17 trẻ tại Bình Định phải nhập viện; đến ngày 26, có thêm 8 trẻ phải nhập viện; ngày 27 có 5 trẻ nhập viện.
“Hầu hết các trường hợp vào viện với tình trạng sốt cao. Có 5 trường hợp nặng hơn, do có biểu hiện tím tái, khó thở,… Tất cả các trường hợp vào viện, hiện đã xuất viện”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, đây là đợt thứ 2 ngành y tế Bình Định tiến hành tiêm chủng loại văcxin này cho trẻ trong toàn tỉnh Bình Định theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đợt đầu tiên vào tháng 10-2018, đã tiêm chủng cho hơn 970 trẻ, sau đó có khoảng 60 trẻ bị sốt, trong đó có 3 trường hợp phản ứng rất nặng.
Sau đó, Sở Y tế Bình Định xin ý kiến của Bộ Y tế để ngừng tiêm 1 tháng chờ chỉ đạo tiếp theo của Bộ. Sau 1 tháng dừng lại để kiểm tra toàn diện, Bộ Y tế chỉ đạo tiếp tục cho triển khai tiêm chủng văcxin ComBE Five tiếp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
“Đợt này, không có những trường hợp nặng như hồi đầu tháng 10. Do đợt này chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo, báo động đỏ hết, trường hợp nào có phản ứng dù nặng dù nhẹ đều cho vào viện theo dõi, điều trị nên những ca nhập viện đều được xử lý kịp thời…”, ông Hùng thông tin.
Văcxin ComBE Five là loại văcxin 5 trong 1 mới của Ấn Độ phòng ngừa 5 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib, thay thế cho văcxin 5 trong 1 Quinvaxem của Hàn Quốc đã ngưng sản xuất.
Theo Giám đốc Sở Y tế Bình Định, Văcxin ComBE Five mới chỉ tiêm thử nghiệm tại một số tỉnh chưa được công bố rộng ra toàn quốc.
Không những Bình Định, tại các địa phương khác như như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày qua, cũng liên tiếp nhận được các thông tin nhiều trẻ khi tiêm văcxin này thì gặp phản ứng tương tự.